Tập đoàn sản xuất công nghệ máy tính IBM của Mỹ đang dự kiến cắt giảm nhân sự quy mô lớn để thay thế bằng các phương tiện kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Quy mô đợt cắt giảm có thể lên tới 8.000 người.
CEO của gã khổng lồ công nghệ Mỹ này, ông Arvind Krishna nói với Bloomberg rằng, công ty có kế hoạch làm chậm hoặc đình chỉ hoàn toàn việc tuyển dụng các chức năng hỗ trợ văn phòng như nhân sự, lưu ý rằng những vai trò không tiếp xúc với khách hàng này hiện có gần 26.000 công nhân.
“Tôi có thể dễ dàng nhận thấy 30% trong số đó sẽ bị thay thế bởi AI và tự động hóa trong khoảng thời gian 5 năm" - ông Krishna nói, nhấn mạnh rằng, việc cắt giảm việc làm do AI gây ra có thể ảnh hưởng đến khoảng 7.800 công nhân.
Tuy vậy, hiện nay, IBM cũng chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự nào ngay lập tức mà quá trình này có thể sẽ diễn ra trong tương lai.
Vào cuối tháng 3, một báo cáo được công bố bởi nhóm Nghiên cứu Kinh tế của Goldman Sachs đã cảnh báo rằng những tiến bộ gần đây trong AI tổng quát, chẳng hạn như ChatGPT phổ biến, có thể sớm gây ra “sự gián đoạn đáng kể” trên thị trường lao động.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có tới 300 triệu công nhân trên toàn thế giới cuối cùng có thể bị thay thế bằng AI và 2/3 công việc ở Mỹ và Châu Âu được tiếp xúc với “ một mức độ tự động hóa của AI”. Họ cũng lưu ý rằng trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để thay thế cho 1/4 công việc hiện tại trên toàn thế giới.
Goldman Sachs cho biết: “Mặc dù có sự không chắc chắn đáng kể về tiềm năng của AI tổng hợp, nhưng khả năng tạo ra nội dung không thể phân biệt được với sản phẩm do con người tạo ra và phá vỡ các rào cản giao tiếp giữa con người và máy móc phản ánh một bước tiến lớn với các tác động kinh tế vĩ mô tiềm năng lớn”.
Đồng thời, báo cáo nói rằng hầu hết các ngành công nghiệp chỉ “tiếp xúc một phần với tự động hóa”, khiến nhiều khả năng chúng sẽ được “bổ sung thay vì bị thay thế bởi AI”.
Theo ước tính, khoảng 7% vị trí ở Mỹ có thể bị thay thế bởi AI, với 63% được bổ sung bởi công nghệ tiên tiến và 30% không bị ảnh hưởng bởi nó.
Mới đây, các Bộ trưởng thuộc nhóm 7 quốc gia có nền kỹ nghệ hàng đầu thế giới đã thống nhất phương án áp dụng quy định “dựa trên rủi ro” về AI, quy định các vấn đề như quản trị, thúc đẩy tính minh bạch và giải quyết thông tin sai lệch.
Các bộ trưởng đã đồng thuận thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo "có trách nhiệm" trong bối cảnh các quốc gia đang cố gắng khai thác các công nghệ đang phát triển nhanh chóng, có thể đem lại lợi ích to lớn nhưng cũng gây ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư và nguy cơ bị lạm dụng.
Ngoài ra, G7 cần thiết lập các quy định dựa trên nguyên tắc phòng ngừa rủi ro của trí tuệ nhân tạo, đồng thời duy trì môi trường cởi mở và thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ này dựa trên các giá trị dân chủ.
Với việc trao đổi dữ liệu trở thành một phần quan trọng của thương mại toàn cầu, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một thỏa thuận quốc tế nhằm đẩy mạnh hoạt động trao đổi dữ liệu xuyên biên giới.