Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp nhất sau bệnh Alzheimer, chiếm 2% dân số thế giới. Bệnh thường gặp trên người 65 tuổi, nhưng có xu hướng trẻ hoá. Bản chất của bệnh Parkinson là thoái hóa não, gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt.
Các chuyên gia của Khoa Phẫu thuật thần kinh I và Khoa Nội hồi sức thần kinh - Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận và phối hợp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu thành công cho 2 bệnh nhân N.T.M (66 tuổi) và T.V.T (66 tuổi). Những bệnh nhân này mắc Parkinson trên 5 năm, dù đã uống thuốc liều cao nhưng hiệu quả vận động vẫn kém.
ThS.BS Ngô Thị Huyền – Khoa Nội hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân đăng ký khám tại phòng khám Nội hồi sức thần kinh. Sau quá trình test mức độ đáp ứng thuốc qua các động tác vận động, test chức năng nhận thức, tâm lý…, bệnh nhân được phối hợp thực hiện chỉ định cận lâm sàng MRI 3.0.
Phẫu thuật kích thích não sâu là phương pháp phẫu thuật thần kinh chức năng, đặt điện cực tạo sóng kích thích điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson, bao gồm run, đơ cứng và cử động chậm chạp.
Kích thích não sâu không phải là phương pháp có thể chữa trị khỏi bệnh Parkinson và sẽ không ngăn bệnh trở nên nặng hơn. Song, đây có thể là lựa chọn tốt cho các bệnh nhân đã mắc bệnh này ít nhất 5 năm và thời gian tác dụng của thuốc rút ngắn lại hoặc loạn động khi dùng thuốc.
Thông qua hội chẩn toàn Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, các chuyên gia đã thống nhất sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân.
TS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân N.T.M. TS Văn chia sẻ, suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân không có chỉ định gây mê, luôn trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ. Bệnh nhân càng tỉnh táo thì sự hợp tác trong phẫu thuật càng cao.
Các chuyên gia thuộc chuyên Khoa Phẫu thuật thần kinh đã phối hợp với chuyên gia về nội thần kinh cùng ê-kíp gây mê, kỹ thuật viên điện sinh lý thần kinh… áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực não sâu ít xâm lấn trong mổ điều trị bệnh lý Parkinson cho bệnh nhân. Đường rạch da trên đầu bệnh nhân rất ngắn, chỉ 1cm. Đường mở nhỏ dưới ngực chỉ khoảng 3cm để đặt thiết bị máy phát xung.
Sau 1 tuần được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, tình trạng của bệnh nhân N.T.M, 66 tuổi đã cải thiện rõ rệt, đã có thể làm các động tác đơn giản, chính xác theo hướng dẫn của bác sĩ.