3 dấu hiệu điển hình của bệnh Parkinson

GD&TĐ - Có một bệnh lý thuộc về hệ thần kinh trung ương thường hay gặp ở người cao tuổi - bệnh Parkinson.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Dáng đi chậm chạp, chân tay run rẩy, vẻ mặt vô cảm… là những biểu hiện điển hình của người mắc bệnh này.

Bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh Parkinson (Parkinson’s disease hay Parkinsonism) được gọi theo tên của một bác sĩ phẫu thuật, đồng thời là nhà bào chế thuốc người Anh: James Parkinson (1755 - 1824). Ông còn là một nhà cổ sinh vật học, nhà địa chất học.

Chính James Parkinson là người đã rất tài tình nhận ra các biểu hiện đặc biệt khác thường của người được cho là mắc một loại bệnh lý thần kinh nào đó chưa được mô tả và xếp loại một cách đầy đủ trước đây.

Do là người đầu tiên đưa ra khái niệm về một bệnh lý mới, nên các nhà chuyên môn về y học đã nhất trí lấy tên ông làm thành tên căn bệnh ghi nhận công lao và sự cống hiến to lớn vì sức khỏe con người.

Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh trung ương. Nó tiến triển rất chậm theo thời gian, gây ra sự thương tổn dần dần một số nhóm tế bào đặc biệt. Bệnh Parkinson thường gặp ở những người cao tuổi. Theo các thống kê ở nhiều quốc gia, tuổi khởi phát bệnh trung bình là 55 tuổi.

Tỉ lệ mắc bệnh Parkinson ở các độ tuổi dao động 80 - 168/100 nghìn người. Riêng ở nhóm người >_ 65 tuổi tỉ lệ mắc bệnh này chiếm đến 2%. Giữa hai giới nam và nữ, tỉ lệ mắc bệnh là tương đương với nhau.

Cử động chậm chạp, run, cứng cơ

Nguyên nhân thật sự gây ra bệnh Parkinson cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Các nhà nghiên cứu ghi nhận một số trường hợp bệnh xảy ra ở những người sau một đợt mắc bệnh nhiễm trùng não, u não, chấn thương vùng đầu hay bị ngộ độc thuốc.

Các biểu hiện lộ ra bên ngoài của bệnh dường như xuất phát từ phần não khống chế sự vận động và liên quan đến việc giảm sản xuất một chất hóa học thần kinh có tên gọi là Dopamin ở phần trung não (midbrain). Thời gian tiến triển của bệnh Parkinson trung bình kéo dài từ 14 đến 18 năm.

Biểu hiện điển hình của bệnh là cử động chậm chạp, run, cứng cơ, thay đổi tư thế và mất thăng bằng. Vì cứng cơ nên vẻ mặt người bệnh trở nên vô cảm, vận động và đi lại khó khăn, tư thế có khuynh hướng cúi khom để giữ thăng bằng cho cơ thể.

Thường thấy, người bệnh vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản như mang tất, đi giầy, tra chìa khóa vào ổ, rối loạn viết (chữ viết nhỏ dần), táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay.

Bệnh Parkinson tiến triển lần lượt qua 5 giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1: Có các dấu hiệu ở 1 bên cơ thể, bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt.

- Giai đoạn 2: Có các dấu hiệu ở 2 bên cơ thể nhưng chưa bị mất thăng bằng.

- Giai đoạn 3: Có triệu chứng cả 2 bên cơ thể có mất thăng bằng nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ được trong các hoạt động tuy có bị hạn chế.

- Giai đoạn 4: Các chức năng bị suy giảm nặng nhưng vẫn có thể đi đứng được và cần sự hỗ trợ một phần.

- Giai đoạn 5: Người bệnh phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không còn tự chủ được nữa.

Bệnh không có các xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán, nên khi mới khởi phát dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác gây ra những triệu chứng tương tự. Các chuyên gia về thần kinh chẩn đoán bệnh sau khi loại trừ tất cả các nguyên nhân khác.

Các xét nghiệm máu, CT Scan hay đo điện não đồ (EEG: Electroencephalogram) góp phần giúp cho chẩn đoán loại trừ một cách dễ dàng hơn.

Hướng điều trị mới?

Các nhà chuyên môn khuyến cáo rằng, việc phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh Parkinson sẽ giúp cải thiện một cách rõ rệt tình trạng sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh.

Hiện nay, một số phương pháp phẫu thuật thần kinh đã được đề xuất nhằm điều trị hiệu quả và lâu dài hơn đã được tiến hành ở nhiều nước và bước đầu ghi nhận những thành công. Điều đó mở ra một hướng điều trị mới và hứa hẹn những điều tốt đẹp cho tương lai của người mắc bệnh Parkinson.

Mục tiêu điều trị là khống chế và kiểm soát các triệu chứng càng lâu càng tốt, đồng thời hạn chế tối đa các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Theo các thống kê thì khoảng thời gian “lý tưởng” này kéo dài từ 4 - 6 năm.

Sau đó bệnh tiếp tục tiến triển ngoài tầm kiểm soát của thuốc men và sự tiên liệu của thầy thuốc. Trong giai đoạn muộn, người bệnh thay đổi trạng thái tâm thần và “đánh mất” khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.

Lúc đó, họ gần như trở thành một phế nhân. Mọi sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu, thông cảm và chia sẻ của người thân trong gia đình cũng như cộng đồng sẽ là niềm hạnh phúc cuối cùng của người mắc bệnh Parkinson.

Thuốc dùng trong bệnh Parkinson là các loại thuốc bảo vệ neuron thần kinh có chức năng sản xuất ra Dopamin (như Eldepryl) hoặc làm tăng lượng Dopamin trong não (như Levodopa). Vấn đề điều trị bằng ngoại khoa chỉ được đặt ra khi mọi cố gắng của việc điều trị bằng nội khoa trở nên bất lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.