Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, TAND Tối cao đã chỉ đạo thu thập đầy đủ chứng cứ để bồi thường cho ông Thêm, ông Nén đúng quy định của pháp luật
Vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm đang thương lượng bồi thường
Theo TAND Tối cao, các TA đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của TA, đã giải quyết dứt điểm 1 vụ.
Lãnh đạo TAND Tối cao cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian gần đây mới phát hiện bị oan và dư luận quan tâm như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận hay vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh.
Trả lời báo chí về tiến độ bồi thường đối với hai vụ án oan được người dân đặc biệt quan tâm này, ông Vũ Thế Đoàn, Vụ trưởng Vụ 1, TAND Tối cao cho biết, vụ ông Thêm xảy ra rất lâu. TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công đã tổ chức xin lỗi và đang tiến hành bồi thường oan sai, nhưng chưa có kết quả cụ thể.
Còn vụ ông Nén, hiện cũng đang trong quá trình thương lượng. Luật sư và phía người bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường rất lớn.
“Tất nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là TA chịu trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để bồi thường, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây mới là giai đoạn đầu, chưa có kết quả cụ thể. TAND Tối cao đang chỉ đạo giải quyết sớm, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho người dân”, ông Vũ Thế Đoàn nhấn mạnh.
Thông tin thêm, theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, trong ngày hôm nay, tại Bình Thuận, TAND tỉnh sẽ làm việc với luật sư và ông Nén để thương lượng bồi thường. TAND Tối cao đã chỉ đạo thu thập đầy đủ chứng cứ để bồi thường cho ông Thêm, ông Nén đúng quy định của pháp luật.
“Sau khi các bên thương lượng thành, sẽ chuyển hồ sơ về TAND Tối cao thẩm định, rồi chuyển Bộ Tài chính thẩm định lần cuối để chuyển tiền thì mới có tiền bồi thường được. Nếu thương lượng không thành thì khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường”, ông Sơn nói.
Đối với việc xử lý trách nhiệm các bên có liên quan trong 2 vụ án oan sai, ông Nguyễn Sơn cho biết, TAND Tối cao đã yêu cầu kiểm điểm và xem xét hình thức kỷ luật.
Theo đó, đối với vụ ông Thêm xét xử từ năm 70, đã qua nhiều thời kỳ, những người xét xử vụ án đó hiện nay đã nghỉ hưu hết rồi. Còn vụ ông Nén, sau khi xác định bị oan, TAND Tối cao đã yêu cầu kiểm điểm đối với Hội đồng xét xử. Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
“Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ Huỳnh Văn Nén sau đó được điều động sang làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận. Nhưng bị xuất huyết não, hiện đang điều trị bệnh nên chưa tổ chức kiểm điểm được”, ông Sơn nói.
Thí điểm thẩm phán xét xử mặc áo choàng
Tại buổi họp báo, TAND Tối cao ra mắt trang phục xét xử của Thẩm phán TAND các cấp dự kiến thực hiện thí điểm trong tháng 10/2016 đến trước ngày 1/7/2017 tổng kết, báo cáo kết quả thí điểm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trang phục xét xử thí điểm của thẩm phán TAND các cấp từ trái sang phải: Thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp, thẩm phán TAND tối cao.
Theo TAND Tối cao, kinh nghiệm các nước trên thế giới, hầu hết các nước sử dụng trào lưu “áo choàng”. Quá trình lựa chọn mẫu trang phục, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan và đã tổ chức cuộc thi thiết kế trang phục. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số mẫu lấy ý kiến thẩm phán các cấp trước khi lựa chọn mẫu trang phục thí điểm.
Mẫu trang phục của thẩm phán bốn cấp được thiết kế giống nhau, chỉ khác ở vải phối và viền lé. Ngoài ra, chất liệu trang phục sẽ được lựa chọn phù hợp với đặc điểm thời tiết của từng vùng miền.
Đại diện TAND Tối cao nhấn mạnh, điều này nhằm thể hiện sự trang nghiêm, tính chuyên nghiệp, đồng bộ và rõ ràng hình tượng đặc trưng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Trong đó, việc đổi mới trang phục của các thành viên Hội đồng xét xử theo yêu cầu nêu trên là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay; góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân; thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của TAND theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm
Trước đó, thông tin về hoạt động của TA, theo ông Phạm Quốc Hưng, Chánh Văn phòng TAND Tối cao, số lượng các loại vụ việc mà các TA phải thụ lý, giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước do tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn diễn biến phức tạp, thẩm quyền của TA được mở rộng.
Các TA đã giải quyết 320.513 vụ các loại trong tổng số 418.374 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,6% và tăng hơn cùng kỳ năm trước 25.192 vụ). Số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
“Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội… Các vụ án tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh; tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm so với cùng kỳ năm 2015”, ông Hưng thông tin.
TAND Tối cao và các TAND Cấp cao đã giải quyết 2.974 đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chất lượng giải quyết được bảo đảm, đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Về công tác thi hành án hình sự, TA cấp sơ thẩm đã quyết định thi hành án hình sự đối với 77.682 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,9%; quyết định miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù cho 48.287 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với 2.702 phạm nhân.