Như một huyền thoại
Anh hùng, liệt sĩ tình báo Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo (1923 - 1969) là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt; bởi đặc trưng của nhiệm vụ tình báo là tuyệt đối bí mật và bởi cuộc đời chiến đấu và hi sinh như huyền thoại của ông còn nhiều bí ẩn, mà cho đến nay, chúng ta còn ít được biết đến và ông chưa được thế hệ sau tôn vinh xứng tầm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước chống ngoại xâm ở Móng Cái, nơi địa đầu miền Đông Bắc của Tổ quốc, được giác ngộ cách mạng từ sớm, ngay từ khi mới 14 - 15 tuổi, Đào Phúc Lộc đã làm giao thông liên lạc, đưa đón cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở vùng biên giới Việt – Trung thuộc địa phương. Năm 16 tuổi, Đào Phúc Lộc đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đào Phúc Lộc đã từng tham dự vào khá nhiều sự kiện quan trọng ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử nước nhà: Cao trào đấu tranh tiến tới Cách mạng tháng 8 năm 1945, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông luôn được Đảng và Quân đội tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”, giao cho trọng trách là người đi đầu, đặt nền móng xây dựng lực lượng tình báo quân đội, người lãnh đạo công tác Đảng và những điểm nóng, tạo bước ngoặt của lịch sử Cách mạng miền Nam.
Mới 22 tuổi, nhưng Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo đã được Chủ tịch Quân ủy Hội/Quân ủy Trung ương – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tin tưởng giao trọng trách xây dựng ngành tình báo quân đội, với vai trò là Trưởng phòng tình báo Quân ủy Hội (Tiền thân của Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng hiện nay). Kể từ đây, tên tuổi và sự nghiệp của Hoàng Minh Đạo gắn chặt cùng quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của ngành tình báo Quân sự Việt nam.
Vang mãi khúc tráng ca
GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, cách đây tròn 70 năm, trong thư gửi Hội nghị Tình báo toàn quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Tình báo là tai mắt của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: “Biết mình biết địch, trăm trận đều thắng. Muốn biết địch phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi...”. Một trong những người đầu tiên theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch lập nên ngành tình báo quân đội Việt Nam là Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo, người con ưu tú của đất Quảng Ninh.
PGS.TS Lê Thanh Bình, Học viện Ngoại giao cho biết, nhớ lại mốc lịch sử đầu năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định lập “Ban nghiên cứu Xứ ủy” – Ban địch vận (ban này tồn tại đến năm 1961) do ủy viên Xứ ủy Ba viên phụ trách. Ông Lộc, nguyên là Trưởng phòng quân báo Nam Bộ về làm Phó Trưởng ban. Rồi cụm tình báo chiến lược chỉ đạo trực tiếp các hệ tình báo chính trị, quân sự, phản gián, chiến lược ra đời, trong đó, hệ tình báo quân sự gồm 6 lưới từ NB1 đến NB6 do chính ông Lộc phụ trách.
Năm 1969, Trung ương Cục điều Đào Phúc Lộc từ Quân khu 5 về làm Chính ủy Phân khu 1 - vùng Củ Chi. Đêm Noel (24/12), Chính ủy Đào Phúc Lộc cùng Phó Tư lệnh quan khu Tám Lê Thanh về Trung ương Cục dự họp. Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đoàn phải chia làm 2 nhóm. Ghe chở Phó Tư lệnh Tám Lê Thanh qua sông trước an toàn còn ghe chở Chính ủy Đào Phúc Lộc đi sau đụng giang thuyền địch phục kích với hỏa lực mạnh, tất cả mọi người trên ghe đều hi sinh giữa dòng nước.