Huyện Sông Mã nỗ lực xoá nhà dột nát

GD&TĐ - Sông Mã là huyện biên giới của tỉnh Sơn La. Địa phương này đang nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Bà Lường Thị Chiêm, bản Dạ, xã Bó Sinh vui mừng khi được sở hữu ngôi nhà khang trang.
Bà Lường Thị Chiêm, bản Dạ, xã Bó Sinh vui mừng khi được sở hữu ngôi nhà khang trang.

Tập trung nguồn lực...

Từ đầu năm đến nay, huyện Sông Mã đã huy động mọi nguồn lực xã hội hoá, lồng ghép các chương trình, dự án giúp đỡ các hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó là tạo nguồn sinh kế giúp người dân ổn định cuộc sống. Để các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn yên tâm sản xuất và vươn lên thoát nghèo, Huyện uỷ, UBND Sông Mã đã chỉ đạo Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện Sông Mã luôn tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân nhất là người nghèo hiểu đúng về chủ trương của các cấp ủy chính quyền. Tránh tình trạng hộ nghèo trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, không phát huy nguồn lực của gia đình tự thực hiện việc xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức rà soát, họp xét, lập danh sách, hồ sơ hộ nghèo đề nghị hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, gửi về UBND huyện (qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để hỗ trợ đến từng hộ gia đình.


Huyện Sông Mã luôn xác định công tác xoá đói giảm nghèo giúp người dân phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

Huyện Sông Mã luôn xác định công tác xoá đói giảm nghèo giúp người dân phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, về nguồn lực hỗ trợ, chúng tôi đã ban hành văn bản kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện; các doanh nghiệp, Hợp tác xã, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo năm 2022.

“Tính đến nay, kinh phí huy động được từ UBMTTQ các cấp và từ các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đạt gần 12 tỷ đồng. Huy động bằng nguyên vật liệu, ngày công lao động với trị giá hơn 4 tỷ đồng. Đối ứng của hộ dân đạt hơn 6,2 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn huyện có 237 hộ đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, còn hơn 178 hộ đang triển khai xây dựng nhà ở”, ông Sinh thông tin thêm.

Hiện nay, công tác xoá đói giảm nghèo tại huyện Sông Mã đang được triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình. Để bảo đảm thu nhập và mức sống ổn định cho người dân, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, áp dụng các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ba ba gai, chăn nuôi trâu, bò, trồng dưa Quyn ở xã Chiềng Khương, Chiềng Sơ… Qua các mô hình đã giúp người dân tăng cao thu nhập, giảm bớt chi phí phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước và tiến tới thoát nghèo bền vững.

Huyện Sông Mã được mệnh danh là thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La. Người dân có cuộc sống sung túc nhờ trồng nhãn trên đất dốc.

Huyện Sông Mã được mệnh danh là thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La. Người dân có cuộc sống sung túc nhờ trồng nhãn trên đất dốc.

Qua tìm hiểu, được biết dân số trên địa bàn huyện Sông Mã có hơn 160.000 người, hộ nghèo chiếm 27,8%. Vì vậy, những năm qua Huyện uỷ, UBND huyện luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát. Huyện đã triển khai thực hiện xoá nhà tạm bằng cách trao nhà trực tiếp hoặc gián tiếp như hỗ trợ kinh phí mỗi hộ 20 triệu đồng tiền mặt. Nếu còn thiếu thì hộ gia đình nằm trong diện xoá nhà tạm sẽ phải đối ứng thêm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số hộ nghèo không có khả năng ứng. Huyện Sông Mã đã chủ động vận động các nhà hảo tâm và chỉ đạo xã, Ban quản lý bản hỗ trợ công lao động, góp vật liệu xây dựng để hoàn thành đúng tiến độ.

Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, đoàn thể đã đóng góp công sức vận chuyển vật liệu làm nhà cho những hộ khó khăn. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết tương thân tương ái, giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định.

Một ngôi nhà của người dân ở được xây dựng từ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm tại huyện Sông Mã
Một ngôi nhà của người dân ở được xây dựng từ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm tại huyện Sông Mã

Củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước

Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho hay, để công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát đạt kết quả cao, huyện đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, UBND các xã, thị trấn tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa hợp pháp. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, tránh thất thoát.

“Chúng tôi chỉ đạo các xã, Ban quản lý bản họp dân rà soát, chọn đúng đối tượng hỗ trợ. Thực hiện nội dung huy động nguồn vốn của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đảm bảo tự nguyện, dân chủ, hợp pháp và dưới sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Tránh tình trạng tham nhũng tiêu cực. Chúng tôi tập trung ưu tiên các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, gia đình chính sách. Từ đó, giúp họ sớm ổn định cuộc sống” – ông Chung thông tin thêm.

Lãnh đạo huyện Sông Mã trao tặng nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo huyện Sông Mã trao tặng nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Được đón nhận ngôi nhà mới khang trang, ông Giàng Giống Mua, bản Nong Xô (xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã) không giấu được niềm vui mừng. Ông Mua bộc bạch: “Do gia đình hoàn cảnh khó khăn nên phải sinh hoạt trong ngôi nhà tồi tàn. Nắng thì nóng, mưa thì dột, vất vả lắm. Bây giờ được huyện và các nhà hảo tâm hỗ trợ dựng được ngôi nhà khang trang như này, tôi sung sướng lắm. Tôi sẽ chăm chỉ làm nương rẫy, chăn nuôi để đưa gia đình có cuộc sống đầm ấm hơn”.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, đời sống của bà con ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đã được nâng lên rõ rệt.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, đời sống của bà con ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đã được nâng lên rõ rệt.

Ngôi nhà kiên cố rộng 50m2 vừa được khánh thành là niềm mơ ước gần hơn 10 năm qua của gia đình bà Trần Thị Mừng, bản Nà Lứa, xã Mường Hung. Bà Mừng là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của gia đình chỉ phụ thuộc vào công việc nương rẫy nên rất thiếu thốn và vất vả, chưa bao giờ bà dám nghĩ đến việc xây nhà.

“Tôi được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, còn lại là đóng góp của người thân và sự giúp đỡ công sức của bà con trong bản. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và lãnh đạo huyện, xã và anh em họ hàng giúp đỡ nên tôi mới có ngôi nhà khang trang như này”, bà Mừng xúc động nói.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...