Huyện Pắc Nặm dự kiến mở 23 lớp xoá mù chữ năm 2024

GD&TĐ - Từ những thành công ban đầu trong công tác xoá mù chữ, năm 2024 huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn dự kiến mở mới 23 lớp xoá mù chữ trên địa bàn.

Huyện Pắc Nặm dự kiến mở 23 lớp xoá mù chữ năm 2024.
Huyện Pắc Nặm dự kiến mở 23 lớp xoá mù chữ năm 2024.

Quan tâm nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Pác Nặm là huyện vùng cao thuộc tỉnh Bắc Kạn, đây là huyện nằm cheo leo, giáp với hai huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng. Vùng đất này hội tụ đủ những khó khăn điển hình của vùng cao, đó là địa hình chia cắt, nhiều núi cao, thiếu đất sản xuất. Mùa đông thì rét cắt da thịt, mùa hè lại mưa lũ thường xuyên.

Hiện huyện có 10 xã và 118 thôn, 7176 hộ, dân số trên 33.700 người, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống (Tày, Mông, Dao, Nùng, Sán chí, Kinh, Hoa), trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao. Kết cấu hạ tầng chưa thật sự phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong huyện, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng địa phương đạt kết quả cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của nhân dân từng bước được ổn định và cải thiện, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... có nhiều khởi sắc, góp phần cho sự nghiệp giáo dục phát triển.

Về công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục, được sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp, phòng GD&ĐT huyện Pác Nặm đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Cụ thể: Kế hoạch của UBND huyện Pác Nặm về thực hiện duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Pác Nặm giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ huyện Pác Nặm năm 2023.

Nghiêm túc triển khai rà soát tuyên truyền về công tác xoá mù chữ

Trong các năm học Phòng GD&ĐT đã nghiêm túc triển khai công tác điều tra, rà soát người mù chữ, thông tin, tuyên truyền về công tác xoá mù chữ cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ trên địa bàn huyện; cập nhật chính xác dữ liệu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của Bộ GDĐT.

Các học viên tham gia lớp xoá mù chữ đầy đủ tích cực.

Các học viên tham gia lớp xoá mù chữ đầy đủ tích cực.

Huyện đã hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy xoá mù chữ căn cứ vào Chương trình xoá mù chữ và tham khảo sách giáo khoa tiểu học, tài liệu hướng dẫn khác để xây dựng kế hoạch dạy học các môn học đảm bảo yêu cầu cần đạt được đối với từng giai đoạn. Đánh giá học viên học Chương trình xoá mù chữ và sử dụng, quản lý hồ sơ đánh giá, học bạ của học viên đúng theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn và cử công chức, cán bộ quản lý, giảng viên tham gia tập huấn do cấp trên tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy Chương trình xoá mù chữ.

Công tác quản lí, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xoá mù chữ và kiểm tra công nhận đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn xoá mù chữ thực hiện nghiêm túc. Tham mưu huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

Nhờ triển khai đa dạng các giải pháp, kết thúc năm 2023, toàn huyện có 01/10 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, 09/10 đơn vị xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2

Bên cạnh những kết quả đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: số người trong độ tuổi xoá mù chữ ra lớp chưa cao, việc duy trì sĩ số lớp học ở một số lớp học xoá mù chữ vẫn còn hạn chế, một số học viên không tham gia lớp học thường xuyên. Tài liệu giảng dạy cho giáo viên, học viên chưa có nên cũng gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy (chưa có sách giáo khoa xoá mù chữ, sổ sách lớp xoá mù chữ,...). Ngoài ra, học viên trong độ tuổi xoá mù chữ trong độ tuổi lao động hay đi làm thuê, làm ăn xa nên không ra lớp học. Học viên ở độ tuổi lao động chính của gia đình nên khó sắp xếp thời gian theo học; một số không còn ở địa phương nên khó khăn cho công tác vận động học viên ra lớp.

Theo ông Hoàng Văn Duy, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Pác Nặm, Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn. Năm 2024, dự kiến huyện sẽ mở 23 lớp xoá mù chữ, cho 495 học viên, 10/10 trung tâm học tập cộng đồng mở lớp, với dự kiến kinh phí là 3.243.818.000 đồng (trong đó: Kinh phí nguồn ngân sách cấp tỉnh 1.476.000 đồng; Nguồn kinh phí từ Tiểu dự án 1-Dự án 5 - Chương trình MTQG PT KTXH vùng ĐBDTTS&MN: 1.334.750.000 đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.