Thăm hỏi, tri ân chứng nhân lịch sử tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng

GD&TĐ - Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân thăm hỏi, tri ân những chứng nhân từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang cư trú tại TP Cần Thơ.

Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân thăm hỏi, tri ân các nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cư trú tại TP Cần Thơ
Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân thăm hỏi, tri ân các nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cư trú tại TP Cần Thơ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 5/5, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân (Điểm đào tạo TP Cần Thơ) phối hợp Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận - Chi nhánh PNJ Cần Thơ và Quận đoàn Bình Thủy tổ chức đoàn thăm hỏi, tri ân các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng hiện đang cư trú tại địa bàn Quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Đoàn công tác thăm hỏi Thượng sĩ Trần Văn Từ (nguyên Trung đội phó chiến sĩ Điện Biên, Tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 151 – Sư đoàn 351).

Đoàn công tác thăm hỏi Thượng sĩ Trần Văn Từ (nguyên Trung đội phó chiến sĩ Điện Biên, Tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 151 – Sư đoàn 351).

Theo đó, Đoàn đã đến thăm hỏi Thượng sĩ Trần Văn Từ (sinh năm 1932, nguyên Trung đội phó chiến sĩ Điện Biên, Tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 151 – Sư đoàn 351), ông Nguyễn Văn Kha (sinh năm 1934 thương binh 4/4, chiến sĩ Điện Biên, Pháo Thủ số 2, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn cao xạ 367) và ông Lê Mạnh Quý (sinh năm 1933 chiến sĩ bộ binh, thuộc Trung đoàn 57, Sư đoàn 304).

Trong không khí sôi nổi cả nước chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn đã có cơ hội được ngồi lại cùng những câu chuyện lịch sử hào hùng do những chứng nhân lịch sử trực tiếp kể lại qua lời tâm tình với những cung bậc cảm xúc vỡ òa khi ký ức của một thời hoa lửa ùa về trên những mái đầu đã điểm trắng tuyết sương.

Ông Nguyễn Văn Kha (Thương binh 4/4, chiến sĩ Điện Biên, Pháo Thủ số 2, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn cao xạ 367) trò chuyện cùng đoàn công tác.

Ông Nguyễn Văn Kha (Thương binh 4/4, chiến sĩ Điện Biên, Pháo Thủ số 2, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn cao xạ 367) trò chuyện cùng đoàn công tác.

Bằng lòng tri ân sâu sắc, Đoàn đã trân trọng gửi lời thăm hỏi cùng lời chúc sức khỏe dồi dào và những tình cảm quý báu nhất đến các nhân chứng lịch sử với niềm mong mỏi tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí quyết chiến, quyết thắng từ thế hệ đi trước sẽ mãi là ngọn lửa truyền thống cho các thế hệ sau tiếp bước.

Tự hào là một trong những chiến sĩ điều khiển khẩu pháo cao xạ 37mm bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Kha xúc động gửi lời cảm ơn những tình cảm quý báu mà Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân đã quan tâm, tổ chức đoàn công tác cùng các đơn vị đồng hành đã không quên công sức của các thế hệ đi trước cống hiến hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã đến thăm hỏi với những lời chúc tốt đẹp dành cho ông và những người đồng đội.

Qua đó, mong mỏi tập thể cán bộ, chiến sĩ Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân luôn vững tâm đoàn kết một lòng học tập và rèn luyện xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.

Đoàn công tác thăm hỏi ông Lê Mạnh Quý (Chiến sĩ bộ binh, thuộc Trung đoàn 57, Sư đoàn 304).

Đoàn công tác thăm hỏi ông Lê Mạnh Quý (Chiến sĩ bộ binh, thuộc Trung đoàn 57, Sư đoàn 304).

Trước đó, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cũng đã tổ chức Đoàn thăm hỏi các nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn Quận 7 và TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Thông qua chuỗi hoạt động này, càng khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ Công an đối với cộng đồng và xã hội, qua đó góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ cán bộ, học viên Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân trong thời đại mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ