Huyện nghèo gìn giữ hơn 100 'báu vật' nhà rông

GD&TĐ - Tuy đời sống kinh tế ở Kông Chro còn nhiều khó khăn nhưng nơi đây vẫn lưu giữ hơn 100 nhà rông truyền thống.

Huyện Kong Chro còn gìn giữ hơn 100 nhà rông truyền thống.
Huyện Kong Chro còn gìn giữ hơn 100 nhà rông truyền thống.

Kông Chro là huyện thuộc diện 30a duy nhất của tỉnh Gia Lai. Tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nơi đây vẫn lưu giữ hơn 100 nhà rông truyền thống.

Gìn giữ hồn cốt dân tộc

Từ bao đời nay, nhà rông vẫn luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Bahnar ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) nói riêng.

Những mái nhà rông truyền thống không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là nơi hội tụ tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian đặc trưng của mỗi ngôi làng. Dù đã trải qua thời gian dài, thế nhưng giờ đây người dân vẫn lưu giữ và phát triển nét văn hóa truyền thống ấy.

Ngay thị trấn Kông Chro, nhà rông thôn Plei Hle Ktu sừng sững vươn cao giữa trời. Ngôi nhà dài hơn 25m được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre và nứa. Những cột trụ, miếng ván lót sàn đã ngả màu thời gian đen bóng. Xung quanh và phía trong nhà rông được đặt những bức tượng gỗ mang hình thù chim đại bàng, rùa, tắc kè…

Ông Đinh Bri (61 tuổi) là người chuyên đi xây dựng nhà rông ở Plei Byang (huyện Kông Chro) cho biết, theo quan niệm của người Bahnar, khi lập làng thì đều phải xây dựng nhà rông. Bởi nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các nghi lễ văn hóa truyền thống của buôn làng.

Phía trong nhà rông được trang trí với hình thù chim đại bàng, con rùa, tắc kè…

Phía trong nhà rông được trang trí với hình thù chim đại bàng, con rùa, tắc kè…

Hướng mắt về phía Plei Byang, ông Đinh Bri kể rằng, nhà rông ở đây đã được xây dựng từ rất lâu. Ông chỉ nhớ rằng, những ngày còn nhỏ được theo người dân trong làng tạc tượng, trang trí nhà rông. Còn phụ nữ thì phụ trách giã gạo, nấu ăn để cúng và mừng nhà rông mới.

Riêng thanh niên, trai tráng trong làng thì lên rừng tìm cây, lợp mái lá… Căn nhà rông Plei Byang có chiều dài gần 20m, rộng 7m với một cầu thang chính giữa và 2 cái hai bên giúp bà con lên xuống thuận lợi.

“Nhà rông Plei Byang được xây dựng với kinh phí khoảng 400 triệu đồng chủ yếu mua nguyên vật liệu. Còn bà con trong làng mỗi người một tay hỗ trợ để xây dựng nơi sinh hoạt chung. Đây không chỉ được dùng trong các dịp lễ hội, mà người già, lũ trẻ trong làng có nơi tập trung để vui chơi, chia sẻ. Bà con dân làng ai nấy đều muốn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống này”, ông Đinh Bri bộc bạch.

Huyện có hơn 100 nhà rông

Kông Chro là huyện thuộc diện 30a duy nhất của tỉnh Gia Lai. Ở huyện nghèo này thì hầu hết các ngôi làng có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có nhà rông. Thậm chí, có những làng có đến 2 - 3 nhà rông.

Ví như xã Đăk Tơ Pang tuy có 3 làng nhưng đến 6 nhà rông, xã Ya Ma có 7 nhà rông… Phần lớn là kiểu nhà rông truyền thống được làm bằng gỗ có từ rất lâu và bà con vẫn giữ gìn vẹn nguyên cho đến tận ngày nay.

Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt của toàn thể bà con, mà còn là địa điểm trưng bày thành tích mà làng đạt được.

Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt của toàn thể bà con, mà còn là địa điểm trưng bày thành tích mà làng đạt được.

Để gìn giữ những giá trị văn hóa, năm 2018, người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung) cũng chung sức chung lòng đóng góp để làm căn nhà rông vững chãi. Căn nhà được xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng với diện tích khoảng 100m2, nằm trong khuôn viên 1.000m2. Phía trước nhà rông được bố trí với một khoảng sân rộng, xung quanh là cây cối che bóng mát.

Anh Đinh Chiêng, cán bộ văn hóa xã Yang Trung, nói rằng, nhiều năm về trước để xây dựng được nhà rông bắt buộc phải có gỗ, tranh và nứa. Thế nhưng, giờ đây nguồn nguyên vật liệu này ngày càng cạn kiệt nên bà con quyết định kết hợp nhiều loại với nhau.

“Nhà rông là nơi sinh hoạt của toàn thể bà con, cũng là địa điểm trưng bày thành tích mà làng đạt được. Chính vì vậy, mọi người rất trân trọng, gìn giữ và bảo tồn”, anh Đinh Chiêng nói.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện Kông Chro, cho hay, hiện nay toàn huyện có trên 105 nhà rông truyền thống. Những nhà rông này nằm rải rác ở các làng có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đời sống của người dân, nhà rông là nơi sinh hoạt chung của toàn làng và là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Bahnar.

Theo ông Hiếu, dù những năm trở lại đây nhà rông có một số thay đổi, tuy nhiên, đây chỉ là sự thay đổi để thích ứng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và văn hóa. Còn bà còn vẫn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để người dân thấy gần gũi mỗi khi sinh hoạt cộng đồng, tham gia lễ hội.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao, những năm qua địa phương luôn động viên, khuyến khích bà con gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa, duy tu và bảo tồn nhà rông truyền thống mà người dân còn gìn giữ, phát triển cồng chiêng, tạc tượng gỗ… để truyền lại cho con cháu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.