Huyện Ngân Sơn duy trì 10/10 xã thị trấn đạt xoá mù chữ mức độ 2

GD&TĐ - Là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Bắc Kạn, Ngân Sơn luôn quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ trên địa bàn.

Lớp học xoá mù chữ được mở ra đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho bà con vùng đồng bào DTTS.
Lớp học xoá mù chữ được mở ra đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho bà con vùng đồng bào DTTS.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ngân Sơn là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm thành phố gần 60km, có diện tích tự nhiên là 64.588,23 ha, có 10 đơn vị hành chính gồm 09 xã và 01 thị trấn, dân số là 31.670 người; có 7 dân tộc cùng sinh sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Mông, Sán Chỉ; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 95%. Ngành nghề và việc làm chính của người dân là nông nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng gần 80%).

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh, kinh tế - xã hội của huyện Ngân Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng từng bước đáp ứng được nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm dần qua các năm, góp phần ổn định đời sống dân cư, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực khó khăn của huyện được hưởng lợi từ dự án, góp phần tiếp cận thông tin, giao lưu văn hóa xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn huyện; từng bước xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng dân tộc và các vùng phát triển khác; phát huy được các giá trị truyền thống, củng cố lòng tin của người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, huyện Ngân Sơn tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PCGD, XMC, xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho giáo dục. Duy trì và nâng cao kết quả công tác PCGD, XMC; củng cố vững chắc kết quả phổ cập đối với những đơn vị đã đạt chuẩn, nâng dần mức độ đạt chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng các điều kiện bảo đảm PCGD, XMC.

Huyện phấn đấu tăng tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi: Từ 15 - 25 đạt 98% trở lên; từ 15 - 35 đạt 94% trở lên; từ 15 - 60 đạt 86% trở lên. Tích cực vận động người mù chữ ra học lớp xóa mù chữ. Củng cố kết quả xóa mù chữ mức độ 2 đối với các xã, thị trấn. Huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Các học viên lớp xoá mù chữ được tạo điều kiện tối đa để học tập.

Các học viên lớp xoá mù chữ được tạo điều kiện tối đa để học tập.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về phổ cập giáo dục xoá mù chữ

Để hoàn thành mục tiêu, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của PCGD, XMC trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, xem công tác PCGD, XMC là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Huyện đã tích cực phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội, các địa phương với ngành giáo dục và đào tạo để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCGD, XMC. Kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo công tác GD&ĐT, Tổ giúp việc về PCGD, XMC cấp huyện, cấp xã khi có thay đổi về nhân sự; phân công nhiệm vụ cụ thể và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn PCGD, XMC.

Bên cạnh đó, huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp, người mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 ra học các lớp XMC, trong đó đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của nhà nước đối với học sinh, nhà giáo. Phát huy vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, đồng thời huy động các nguồn lực của địa phương để thực hiện công tác PCGD, XMC trên địa bàn toàn huyện.

Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho thực hiện PCGD, XMC Bố trí hợp lí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế đã được giao, đảm bảo yêu cầu việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp thực tế địa phương; bảo đảm thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác quản lý, tập trung nâng cao chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ