Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc...
Nậm Pồ là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên. Huyện có 15 xã, trong đó có 8 xã biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, gồm: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Vàng Đán, Nà Bủng; với 121 bản (103 bản đặc biệt khó khăn), có đường biên giới quốc gia chung với nước bạn Lào dài 127,483 km.
Toàn huyện có 11.513 hộ, dân số 57.561 người; có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: Mông chiếm 69,16%; Thái chiếm 18,77%; Kinh chiếm 3,97%; Dao chiếm 3,41%; Khơ Mú chiếm 1,2%; Hoa chiếm 1,22%; Kháng chiếm 0,76%; Cống chiếm 0,7%; còn lại các dân tộc khác chiếm 0,80%. Tỷ lệ hộ nghèo cao, theo báo cáo kết quả sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện còn 45,77% (giảm 4,84 % so với năm 2022).
Lãnh đạo huyện Nậm Pồ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Hàng năm, công tác dân tộc trên địa bàn huyện luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhờ đó mà các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; việc thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng. Bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 54-KH/HU ngày 13/01/2022 của Huyện ủy Nậm Pồ thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện luôn xác định việc thực hiện chính sách đối với đồng bào các DTTS là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Từ đó, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Ông Lê Khánh Hòa - Bí thư huyện ủy Nậm Pồ (áo trắng) thăm hỏi, kiểm tra bếp ăn học sinh tại trường PTDTBT THCS Nậm Chua. |
Thực hiện tốt chính sách dân tộc...
Với vai trò là cơ quan tham mưu, hàng năm Phòng Dân tộc huyện Nậm Pồ đã tham mưu UBND huyện ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện theo. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán Giáp thìn năm 2024 cho 121 người có uy tín trên địa bàn huyện với tổng kinh phí thăm hỏi là 60,5 triệu đồng; thăm hỏi, hỗ trợ 6 người có uy tín ốm đau nằm viện tại trung tâm y tế huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 4,8 triệu đồng.
Theo ông Hạng Nhè Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, đến nay, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đã có nhiều chuyển biến.
Một góc khuôn viên của trường PTDTBT THCS Nậm Chua, huyện Nậm Pồ - nơi con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo học. |
Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Song, do điểm xuất phát thấp nên huyện Nậm Pồ vẫn là địa phương rất khó khăn, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn trong tình trạng lạc hậu, có mức sống thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao năm 2023 là 44,65%, (giảm 5,96%) so với năm 2022. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,50%, (tăng 2,59%) so với năm 2022).
Cũng theo ông Ly, Nậm Pồ đang duy trì 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được thuận lợi; đã cứng hóa 43,70% đường huyện; 26,62% đường xã; 34,88% đường nội bản. Vận chuyển hành khách đảm bảo số chuyến phục vụ cho nhân dân đi lại trên địa bàn huyện.
6 tháng đầu năm 2024, huyện Nậm Pồ đã phối hợp với Sở Công thương Điện Biên nhận bàn giao và đóng điện 5 dự án cấp điện tại 5 xã: Nà Hỳ, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nậm Tin, Nậm Khăn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất danh mục đầu tư các dự án cấp điện nông thôn cho toàn bộ 20 bản và 24 nhóm bản chưa có điện; dự kiến đầu tư bằng 3 nguồn vốn: Nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn từ Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia; nguồn vốn hỗ trợ của Tổ chức KoiCa (Hàn Quốc).
Thời gian qua, huyện Nậm Pồ cũng đang phối hợp với Sở Công thương chuẩn bị đầu tư 13 dự án cấp điện cho các bản, nhóm bản chưa có điện. Đến nay có 3 dự án cấp điện cho các bản: Huổi Hoi A và Huổi Hoi B, xã Nà Hỳ; bản Mốc 4, xã Nậm Tin đang triển khai công tác giải phòng mặt bằng. Huyện Nậm Pồ đang đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ phối hợp với Sở Công thương phấn đấu triển khai hoàn thành 16 dự án cấp điện nông thôn.
Nhìn chung, các chính sách đặc thù đối với miền núi vùng DTTS đã và đang triển khai trên địa bàn huyện Nậm Pồ từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định dân cư trên địa bàn huyện.