Khó chồng khó...
Năm 2022 cũng là năm có nhiều khó khăn thách thức trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Nậm Pồ cũng như nhiều địa phương trong cả nước khi phải chịu ảnh hưởng kép của đại dịch Covid-19 và diễn biến bất ổn chính trị trên thế giới. Kéo theo đó là giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ở huyện biên giới này, nhận thức về phát triển kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tự vươn lên của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Tập quán canh tác lạc hậu, diễn biến thời tiết có nhiều bất thường do tác động của biến đổi khí hậu... Do đó đã ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dù vậy, trong năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ đã đoàn kết vượt khó đi lên. UBND huyện đã chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với các giải pháp điều hành phù hợp, linh hoạt để kiểm soát dịch Covid-19, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022. Trong đó, triển khai thực hiện đạt và vượt 39/49 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, đạt 79,6% tổng chỉ tiêu (3 chỉ tiêu đạt trên 200%; 20 chỉ tiêu vượt từ 1% - 22%; 16 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch) theo Nghị quyết số 26 của BCH Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã đề ra.
Trong lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt trên 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 110% kế hoạch và Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Ngành Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản đạt hơn 620 tỷ đồng (đạt 107% kế hoạch); Công nghiệp - Xây dựng ước đạt gần 340 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch); Dịch vụ ước đạt 378 tỷ đồng (chiếm 118% kế hoạch).
Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, huyện đã ban hành Kế hoạch Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện Nậm Pồ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến 2030” trên địa bàn huyện. Tiếp tục chỉ đạo, theo dõi các dự án liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm đang triển khai trên địa bàn huyện.
Năm 2022, huyện triển khai thực hiện 36 dự án; bố trí gần 11 tỷ đồng cho 31 dự án nợ đọng vốn từ những năm trước chuyển sang. Ước thực hiện cả năm đạt trên 95%, bảo đảm theo Nghị quyết.
Toàn cảnh trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ. |
Giáo dục và đào tạo có nhiều khởi sắc...
Cũng trong năm 2022, quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện. Công tác quản lý, chỉ đạo đã có nhiều đổi mới, giúp các trường tổ chức tốt công tác huy động và duy trì sĩ số đầu năm đạt so với kế hoạch, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.
Nậm Pồ cũng duy trì, củng cố, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập GDTH mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Đến nay, toàn huyện có 9/15 xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3, đạt 100% so với kế hoạch. Tổ chức hoàn thiện hồ sơ cho 39 học viên được hưởng chính sách trong thi tốt nghiệp THPT.
Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư cơ bản đáp ứng quá trình dạy và học. Ngành GD-ĐT huyện đã tiếp nhận 4 phòng học, 4 phòng công vụ từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục, với tổng mức vốn khoảng 1,2 tỷ đồng.
Tổ chức thực hiện chương trình “Nước sạch cho em trên địa bàn huyện” với hơn 650 lượt người tham gia ủng hộ. Từ số tiền 415 triệu đồng thu được, huyện đã triển khai khoan 20 giếng, cung cấp nước cho một số trường trên địa bàn huyện. Riêng chương trình “2.000 đồng mỗi ngày cho giáo dục” do huyện phát động, tổ chức cũng thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ủng hộ.
Năm 2023, huyện Nậm Pồ xác định sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng. Cùng với đó là việc đẩy nhanh tiến độ thi công và nâng cao chất lượng các công trình, dự án, nhất là các dự án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo sử dụng nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đề ra, gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập huyện. Đặc biệt là việc giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, an ninh trật tự và khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện.
Trong đó, phấn đấu tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt hơn 1.450 tỷ đồng (tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 8,42%). Huyện xác định sẽ duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập tiểu học mức độ 3; công nhận 12/15 xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Phấn đấu 29/40 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS.
Huy động 98,7% số trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo; huy động trẻ 6 - 10 tuổi đi học tiểu học đạt 99,7%; huy động trẻ 11 - 14 tuổi học THCS đạt 96,9%. Phấn đấu trên 75% các trường được bố trí phòng học chức năng theo hướng chuẩn hóa.