Huyện Đắk Hà – Kon Tum: Trung tâm giống thủy sản xây hơn 17 tỷ đồng để… cỏ mọc

GD&TĐ - Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh Kon Tum được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn hơn 17,4 tỷ đồng, đã hoạt động nhiều năm không hiệu quả.

Các ao, hồ của Trung tâm giống thủy sản nước ngọt cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm.
Các ao, hồ của Trung tâm giống thủy sản nước ngọt cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm.

Dự án Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh Kon Tum (xã Đắk La, huyện Đắk Hà, Kon Tum) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2005. Dự án được giao cho Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp và thủy sản (nay sáp nhập vào Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum trực thuộc Sở NN&PTNT Kon Tum) làm chủ đầu tư. 

Tổng số vốn đầu tư là hơn 17,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp qua Chương trình phát triển giống thủy sản. Dự án được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2011. 

Dự án rộng hơn 20 ha, gồm 45 ao, hồ nuôi cá lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, hồ lớn nhất rộng hơn 4.000m2, các hồ nhỏ từ 600 - 800m2. Trung tâm có năng lực cung cấp khoảng 1 triệu con cá giống/năm. Khi xây dựng, tỉnh Kon Tum mong muốn nơi đây sẽ cung cấp cá giống cho khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, một phần diện tích trong dự án để trồng lúa giống cung cấp ra thị trường. Do thiếu nước phục vụ sản xuất nên dự án này không mang lại hiệu quả.

Khu vực ấp cá “bỏ hoang” lâu ngày, mạng nhện, bụi bặm khắp nơi.
Khu vực ấp cá “bỏ hoang” lâu ngày, mạng nhện, bụi bặm khắp nơi.

Ghi nhận thực tế, các ao, hồ phục vụ việc nuôi cá của trung tâm cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm. Nhiều dãy nhà bị bỏ hoang, cây cối, mạng nhện giăng kín lối. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất lâu ngày không được sử dụng nên hoen rỉ, hư hỏng.

Ông Phạm Tài Nam - nhân viên bảo vệ trung tâm cho biết, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ lâu. Tuy nhiên, do thiếu nước nên không thể nuôi cá và cung cấp cá giống ra ngoài thị trường.

Cũng theo ông Nam, dự án khi xây dựng sẽ được lấy nước từ đập Cà Sâm. Tuy nhiên kênh dẫn nước từ đập Cà Sâm về đến dự án còn qua nhiều “trạm” dẫn nước vào ruộng. Nếu sử dụng nước từ ruộng lúa sẽ bị nhiễm nguồn thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, không thể sử dụng nuôi cá.

Còn theo Sở NN&PTNT Kon Tum, trong giai đoạn đầu của dự án, nguồn nước được lấy từ hồ chứa Cà Sâm để vệ sinh ao và nuôi trồng thử một số cá thương phẩm. Tuy nhiên từ mùa khô năm 2012 - 2013 hạn hán diễn ra gay gắt, thiếu nước phục vụ sản xuất, nguồn nước hồ Cà Sâm gần như cạn kiệt. 

Sau đó, trung tâm đã phối hợp với Trạm thủy nông Đắk Hà tận dụng nước từ nguồn suối Kon Trang Kla để sản xuất. Mặc dù khó khăn về kinh phí, nhân sự, nguồn nước cấp để sản xuất, nhưng vẫn cố gắng duy trì đàn cá bố mẹ, nuôi thử nghiệm mô hình cá lóc bông… Tuy nhiên do nguồn nước còn thiếu, đặc biệt là vào mùa khô nên chưa khai thác hết tất cả các ao nuôi.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản việc thu hồi đất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao về cho UBND huyện Đắk Hà quản lý.

Ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết, hiện tại đơn vị đang quản lý Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Kon Tum.

Theo ông Tiến, địa phương đang quy hoạch trung tâm giống này làm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại đã có 1 doanh nghiệp liên hệ để thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư hạ tầng, làm lại các ao để nuôi thủy sản. Riêng các diện tích trồng lúa sẽ tiếp tục làm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.