Kon Tum: Doanh nghiệp nợ 9,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng

GD&TĐ - Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện tại còn 6 doanh nghiệp nợ tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số đơn vị “xin khất” với lý do đang gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gây ảnh hưởng một phần đến công tác bảo vệ rừng.
Các doanh nghiệp chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gây ảnh hưởng một phần đến công tác bảo vệ rừng.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 6 công ty đang nợ tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng. Chính vì vậy, việc chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, một phần sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

Theo ông Hoàng, thời gian qua đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu các công ty nhanh chóng thanh toán khoản nợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ trả nhỏ, lẻ. Một số đơn vị “hứa” sẽ trả, tuy nhiên đến nay khoản nợ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, Công ty Cổ phần T.P nợ số tiền cả gốc và lãi nhiều nhất là hơn 7,1 tỷ đồng. Công ty TNHH G.N nợ gần 2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng T.T nợ số tiền hơn 539 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nợ số tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay các khoản nợ này vẫn chưa được chi trả.

Ông Hoàng cho hay, mặc dù Công ty Cổ phần T.P có khoản nợ nhiều nhất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc thu hồi do không thể xử phạt. Bởi, khoản nợ của công ty này có từ trước khi nghị định 40/2015/NĐ-CP “Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” có hiệu lực. Riêng những công ty còn lại nếu nợ quá 90 ngày không chi trả bất kỳ khoản nào sẽ bị xử phạt theo quy định.

“Vào tháng 6/2020, Công ty TNHH G.N vừa bị xử phạt 100 triệu đồng do chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng”, ông Hoàng nói.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, vừa qua Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã ra công văn đề nghị 6 chủ đầu tư công trình thủy điện khẩn trương hoàn thành việc nộp tiền dịch vụ môi trường rừng. Thời gian chậm nhất đến ngày 31/8/2020.

Theo Sở Công Thương, nếu quá thời gian quy định, các chủ đầu tư chưa hoàn thành việc nộp tiền dịch vụ môi trường rừng thì sẽ có biện pháp xử lý. Cụ thể, Sở Công thương sẽ tham mưu, đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực phát điện của nhà máy thủy điện.

Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Miền Trung ngừng huy động công suất đối với nhà máy thủy điện. Đến khi chủ đầu tư hoàn thành việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và xử lý nợ đọng.

Liên quan đến vấn đề này, Công ty Cổ phần T.P cho hay, hiện tại đơn vị đang nợ hơn 7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn nên chưa thể chi trả toàn bộ số tiền trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, đơn vị đã gửi văn bản lên UBND đề nghị xem xét cho công ty được “chậm” chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.