Huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh: Núi lở, hàng chục hộ dân bị uy hiếp

GD&TĐ - Hàng chục hộ dân tại thôn 6, thôn 3 (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) đang rất lo lắng vì sống dưới ngọn núi sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản.

Điểm sạt lở tại khu vực núi Chai (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên).
Điểm sạt lở tại khu vực núi Chai (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên).

Đất đá chảy gần nhà dân như… thác

Người dân dùng bao cát chắn đất đá trôi vào vườn.
Người dân dùng bao cát chắn đất đá trôi vào vườn.

Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng anh Lê Ngọc Thủy (trú tại thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) và người nhà vẫn chưa hết bàng hoàng kể từ khi chứng kiến vụ sạt lở tại khu vực núi Chai.

Căn nhà của anh Thủy nằm cách ngọn núi cao Chai chừng 100m. Trong đợt mưa bão liên tiếp vào giữa tháng 10 vừa qua, giữa trời mưa tầm tã, gia đình anh phải bồng bế sang nhà người thân ngủ nhờ vì núi lở.

“Khoảng 15 giờ ngày 18/10, chúng tôi đang ở trong nhà thì nghe có tiếng nổ lớn như tiếng sấm. Tiếp theo đó là những tiếng đất đá đổ ầm ầm bên ngoài. Tôi vội chạy ra ngoài xem thì thấy đất đá trên núi đang tuôn xuống như thác. Những hòn đá to cũng rơi nhanh xuống, va vào nhau tạo thành những tiếng nổ rất kinh hoàng. Tôi vội vàng ôm cháu và giục vợ con chạy tản ra phía bên trái rồi di tản xuống khu vực nhà người thân ở phía dưới”, anh Thủy kể lại.

Sau mấy ngày trở về nhà, anh Thủy bàng hoàng khi nhìn thấy toàn bộ khu vực xung quanh đã bị vùi trong hàng nghìn m3 đất đá. Toàn bộ 5 héc-ta trồng lúa 2 vụ của thôn 3 đã bị san phẳng. Riêng gia đình anh Thủy bị thiệt hại hơn 2 ao cá, 1,5 mẫu lúa và nhiều diện tích trồng keo tràm cũng bị lấp theo đất đá.

Một số người dân ở đây cho biết, khu vực này trước đây chỉ xảy ra một vài điểm sạt đất nhỏ hàng năm, chưa từng tràn đất xuống khu vực phía dưới. Tuy nhiên, vụ sạt lở này đã xuất hiện thêm 3 điểm sạt lở mới.

Nằm ngay sát núi Chai, ở khu vực núi Bục (thuộc thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê của người dân, có đến 10 điểm sạt lở từ trên núi Bục xuống dọc tuyến đường quốc phòng ven biển đi từ xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đến xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

“Mỗi lần đi qua những đoạn đường này chúng tôi rất lo lắng, nhất là khi trời đổ mưa. Ban đêm bây giờ chẳng ai dám đi qua vì sợ núi lở bất ngờ. Đợt sạt lở mới đây, người dân phải dùng bao cát chắn bên ngoài để cản đất đá tràn vào trong vườn”, một người dân thôn 6 cho biết.

Khu vực núi Bục hiện có 5 điểm sạt lở.
Khu vực núi Bục hiện có 5 điểm sạt lở.

Thấp thỏm mỗi lần mưa lớn

Người dân sinh sống tại những khu vực này chưa hết kinh hoàng khi chứng kiến 2 vụ sạt lở núi.
Người dân sinh sống tại những khu vực này chưa hết kinh hoàng khi chứng kiến 2 vụ sạt lở núi.

Hiện 2 khu vực này vẫn đang tiếp tục có nguy cơ sạt lở tiếp. Mỗi lần mưa to, những hộ dân sinh sống tại đây sống trong cảnh nơm nớp với nỗi lo núi lở.

Bà Kiều Thị Vân (trú tại thôn 3 xã Cẩm Lĩnh) lo lắng: “Sau tiếng nổ lớn, vợ chồng tôi cũng hốt hoảng chạy lên đường lớn. Đến khi nhìn lại thấy nước cùng đất đá chảy như thác mà kinh hồn. Sống hơn 50 năm lần đầu tiên tôi chứng kiến núi lở khiếp như vậy. Giờ đây mỗi lần hễ có mưa lớn hay sấm chớp và vợ chồng tôi lại thấp thỏm không yên”.

Theo thống kê, toàn xã Cẩm Lĩnh có 58 hộ dân đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ lở núi, trong đó 7 hộ đã làm nhà ở và 51 hộ xây dựng trang trại.

Ngoài ra, việc khôi phục lại đất sản xuất dưới chân núi Chai là điều rất khó vì khối lượng đất đá đổ xuống quá lớn, vùi lấp nhiều diện tích sản xuất, đất trồng cây lâm nghiệp và hàng trăm mét kênh mương nội đồng. Trong khi đó, đất tại núi Chai chủ yếu là cát sỏi và đá cuội nên việc tìm kiếm loại cây trồng phù hợp sau thiên tai cũng gặp nhiều thách thức.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, ông Nguyễn Công Tùng cho biết, hiện đất đai ở khu vực này chỉ có thể trồng cây lâm nghiệp chứ để tái sản xuất lúa là gần như không thể. Trong khi đó, hàng trăm mét kênh mương nội đồng cũng bị san phẳng khiến việc quay trở lại khôi phục sản xuất của chúng tôi đang rất khó khăn.

Trước mắt, chính quyền địa phương đang tiếp tục cảnh báo, ngăn cấm người dân không qua lại tại các vị trí nguy hiểm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ sớm đề xuất với các ban, ngành nhanh chóng có các giải pháp kịp thời giúp người dân sinh sống ở khu vực nguy cơ sạt lở cao di dời đến địa điểm an toàn hơn.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ