Sẵn sàng hỗ trợ
Mặc dù đang bận rộn với công việc nương rẫy, song trưởng bản Chuyên Gia 2, xã Nậm Kè – Hạng A Khoa và các hộ dân ở đây vẫn nhiệt tình tham gia hỗ trợ giáo viên dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở trường lớp cho năm học mới.
Trong một ngày lao động tập trung, với sự hỗ trợ của hàng chục người dân, điểm trường tại đây đã được dọn dẹp sạch sẽ. Từ vệ sinh khuôn viên, quét dọn, nhổ cỏ, đến lau chùi bàn ghế…, bà con đều “xắn tay” tham gia nhiệt tình.
Theo chia sẻ của trưởng bản Hạng A Khoa, trước kia, bà con trong bản chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con cái. Bởi vậy, toàn bộ công tác vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất lớp học đầu năm ở điểm bản đều do giáo viên cắm bản thực hiện. “Nhưng bây giờ được tuyên truyền nhiều, ai cũng hiểu, thầy cô lên đây giảng dạy là vì con em của mình; trường lớp sạch đẹp cũng để phục vụ con em trong bản”, ông Khoa bộc bạch và cho hay: Các thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, lên tận bản cheo leo trên đỉnh núi dạy chữ, thì bà con tiếc gì vài ngày công hỗ trợ. Hiểu ra được vậy, nên việc chăm lo, tu sửa lớp học khi nào thầy cô cần, bà con đều có mặt. Năm nào cũng thế dần thành phong trào tự nguyện.
Tương tự, tại Trường PTDT Bán trú THCS xã Chung Chải, từ đầu tháng 8, các hoạt động tu sửa, dọn dẹp trường lớp diễn ra sôi nổi. Theo thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Sự, bên cạnh việc huy động 100% giáo viên, đơn vị còn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của đại diện cha mẹ học sinh.
Năm học này nhà trường dự kiến có 19 lớp với hơn 600 học sinh. Trong đó có gần 500 em ở bán trú. Do vậy, song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến công tác bán trú.
“Vừa dọn dẹp, chỉnh trang khuôn viên, lớp học chuẩn bị tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nhà trường cũng chú trọng điều kiện phòng chống dịch; ăn, nghỉ của học sinh. Khi phụ huynh được trực tiếp tham gia, chứng kiến sẽ phấn khởi yên tâm cho con tới trường”, thầy Sự cho hay.
Cán bộ, nhân viên Trường PTDT Bán trú THCS xã Chung Chải sắp xếp lại sách giáo khoa. |
Tạo động lực “bứt phá”
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Theo kế hoạch, từ ngày 1/9, gần 17.000 học sinh thuộc 3 cấp (mầm non, tiểu học và THCS) trên địa bàn sẽ tựu trường. Do vậy, thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, với phương châm sẵn sàng, chủ động bước vào năm học mới.
“Bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng cũng chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nội dung, kế hoạch năm học… Từ đó, nhà trường, thầy cô chủ động phương pháp, kế hoạch giảng dạy, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để nâng cao chất lượng toàn diện”, ông Chùy cho hay.
Với đặc thù phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, hộ nghèo..., do vậy, sách giáo khoa là danh mục quan trọng được các nhà trường đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh đó, từ tháng 8/2021, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình GDPT ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi được hỗ trợ 150.000 đồng chi phí học tập mỗi tháng.
“Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường vận động phụ huynh sử dụng một phần trong khoản hỗ trợ này để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em, nên đa phần phụ huynh đều không bị nặng gánh về tiền sách. Số còn lại sẽ được hỗ trợ từ nguồn sách quyên góp, ủng hộ của học sinh khóa trước. Vì thế không em nào phải lo thiếu sách”, ông Chùy chia sẻ.
Với nỗ lực vượt khó của các nhà trường, giáo viên và sự đồng thuận chung tay góp sức của phụ huynh, ngành Giáo dục Mường Nhé kỳ vọng sẽ có thêm động lực, từ đó bứt phá, tạo bước chuyển biến về chất lượng, góp phần đổi mới, phát triển giáo dục vùng biên giới. Ông Phạm Thiết Chùy