Còn đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90%”. Một số xã ở huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên đang đứng trước nguy cơ mất chuẩn phổ cập với điều kiện này. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc thiếu giáo viên.
Xuất hiện bản “trắng” GDMN
Bà Trần Thị Tố Uyên, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Điện Biên) bày tỏ băn khoăn trước nguy cơ một số xã ở huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên đang gặp phải. Đó là tình trạng bản “trắng” về GDMN như ở huyện biên giới nghèo Mường Nhé. Theo bà Trần Thị Tố Uyên, Điện Biên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2014. Năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên một số xã của huyện Mường Nhé đứng trước nguy cơ mất chuẩn.
“Ngành GD-ĐT Điện Biên đã rất nỗ lực, hàng năm đều duy trì tỷ lệ HS ra lớp cao, nên đảm bảo các tiêu chuẩn của Nghị định số 20. Chẳng hạn đối với huyện biên giới, nghèo nhất như Nậm Pồ, tỷ lệ trẻ MN 5 tuổi ra lớp vẫn đạt đến 99,8%. Ở các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông... việc huy động trẻ ra lớp cũng đạt tỷ lệ rất cao. Duy có huyện Mường Nhé có xã đứng trước nguy cơ mất chuẩn", bà Trần Tố Uyên nói.
Đáng lo ngại nhất ở Mường Nhé là xã Pá Mỳ. Có thời điểm tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của xã chỉ đạt 83,1%; trong khi quy định tại Nghị định 20 nêu rõ, đối với những xã đặc biệt khó khăn, việc huy động trẻ ra lớp phải đạt 90%.
Nhiều trường MN ở Điện Biên chỉ được trang bị những đồ chơi ở mức tối thiểu |
Trưởng phòng GDMN của Sở GD&ĐT Điện Biên lý giải: “Ở đây, chúng ta phải phân biệt trắng về GDMN không phải là bản ấy bắt buộc phải có lớp MN. Các bản gần nhau chỉ cần một điểm trường thôi. Trắng ở đây là thiếu giáo viên để mở lớp. Đầu năm học do thiếu giáo viên nên Mường Nhé có 7 bản “trắng” về GDMN, nay do sắp xếp lại giáo viên và bố trí cho trẻ học tại điểm bản lân cận nên đã xóa được 3 bản, còn 4 bản “trắng” thực sự, không có giáo viên, không có trẻ ra lớp”, hiện nhà trường đang chờ bổ sung giáo viên để bố trí.
Thiếu thốn về CSVC cũng là một nguyên nhân mà bà Tố Uyên nêu lên. Hiện tại điều kiện bảo đảm đồ chơi cho các cháu ở một số trường chỉ ở mức tối thiểu. Có đơn vị của Mường Nhé sau khi hoàn thành phổ cập năm 2014 đến nay chưa được bổ sung thêm đồ dùng, đồ chơi, nhất là các nhóm nhà trẻ nên vẫn thiếu. Thống kê cho thấy, cấp mầm non toàn tỉnh có 278 nhóm nhà trẻ thiếu đồ dùng, đồ chơi…
Khó khăn trong việc huy động trẻ ra lớp
Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Điện Biên huy động trẻ từ 3 - 36 tháng ra lớp đạt 35,8%, cao hơn trung bình cả nước, tuy nhiên lại thấp hơn 3,2% so với chỉ tiêu tỉnh giao (39%). Một số địa phương như Mường Nhé và Tủa Chùa, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 36 tháng ra lớp đạt thấp. Đầu năm học này, Tủa Chùa được giao chỉ tiêu 35,6%, song cho đến hết kì I mới chỉ huy động được 11,6%; Mường Nhé được giao 30,9% song mới chỉ đạt 18,5%. Nguyên nhân chủ yếu cũng là do thiếu giáo viên.
“Có một số đơn vị mặc dù đã được giao biên chế, nhưng khâu tuyển dụng rất chậm. Hiện nay mới có hai đơn vị là Mường Ẳng và Nậm Pồ tuyển được 74 người, còn các đơn vị khác đang trong quy trình tuyển dụng. Theo thống kê từ các đơn vị, toàn tỉnh hiện còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên”, bà Tố Uyên cho biết thêm.