(GD&TĐ)- Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách căn bản và lâu dài nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí cho vùng sâu, vùng xa, trong đó GD-ĐT có vai trò quan trọng. Vì vậy, thầy cô giáo các trường học tại huyện Mường Nhé phải từng bước khắc phục khó khăn để vận động học sinh ra lớp, không để các em thiếu thốn trong sinh hoạt mà bỏ học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhấn mạnh như vậy tại buổi nói chuyện với đại diện thầy cô và trò các trường mầm non, tiểu học và THCS huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - một trong các nội dung hoạt động trong chương trình chuyến công tác từ ngày 9/3 đến ngày 12/3, do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đến thăm và làm việc về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Lễ bàn giao công trình nhà ở nội trú cho học sinh. Ảnh, gdtd.vn |
Sáng nay (10/3), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD-ĐT) cùng đi, Chủ tịch Công đoàn GDVN đã dự “Lễ bàn giao 84 phòng ở học sinh nội trú dân nuôi do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên”. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Xuân Kôi, lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mường Nhé và đông đảo học sinh các trường THCS, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn xã Chung Chải.
Đây là một trong những hoạt động xã hội của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhằm thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Công trình trị giá 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng phòng ở học sinh nội trú cho 6 trường Tiểu học, THCS tại các xã Pá Mì, Nà Khoa, Nậm Pồ, Chà Cang, Na Cô Sa và Chung Chải của huyện Mường Nhé nhằm giúp đỡ học sinh các dân tộc thiểu số nơi đây giảm thiểu khó khăn trong việc ăn ở, sinh hoạt và học tập. Với quy mô đầu tư gồm 84 phòng (8 học sinh/phòng); 08 gian nhà bếp; 791 m2 sân bê tông; 336 giường tầng cùng đầy đủ chăn, chiếu, màn; 84 tủ tư trang.
Tại lễ bàn giao, VietinBank cũng đã trao 1.552 áo ấm cho học sinh các trường học tại xã Nà Khoa và Chung Chải, tặng 495 chăn ấm cho trường PTDTBT THCS Nà Khoa và tặng 10 bộ máy tính, 2 bộ tăng âm loa đài cho hai trường Tiểu học và THCS xã Chung Chải. Bộ GD-ĐT tặng 3 bộ tivi và đầu đĩa cho các trường Tiểu học xã Chung Chải và cụm trường THCS, Tiểu học và Mầm Non xã Sín Thầu, trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé. |
Hiện nay, tại Mường Nhé, do thiếu phòng bán trú nên nhiều học sinh vùng cao vẫn phải ở lán tạm trong điều kiện rất thiếu thốn. Năm học 2011-2012, huyện Mường Nhé có hơn 19.894 học sinh ở 52 trường học các cấp. Trong đó, có 11 trường Tiểu học và THCS bán trú. Hầu hết các trường bán trú trong huyện đều thiếu nhà nội trú cho học sinh. Cụ thể, cấp THCS có 4.815 học sinh thì nhu cầu ở bán trú chiếm đến 50%; cấp Tiểu học có trên 10.400 HS và trên 25% có nhu cầu ở bán trú.
Lễ cắt băng khánh thành, bàn giao công trình nhà ở nội trú cho học sinh. Ảnh, gdtd.vn |
Tại các xã, tỷ lệ học sinh được ở bán trú rất thấp so với nhu cầu thực tế như: Trường Tiểu học Nà Khoa số 1 có 40 học sinh được ở bán trú, đáp ứng 21% nhu cầu; trường THCS Chung Chải có 347 học sinh có nhu cầu ở nội trú, hiện mới đáp ứng được 280 em. Trường THCS Mường Nhé có hơn 100 học sinh được ở bán trú, đáp ứng gần 23% nhu cầu thực tế; đặc biệt là trường Tiểu học Nậm Pồ có trên 180 học sinh thuộc diện bán trú nhưng vẫn chưa có phòng bán trú cho học sinh.
Khẳng định rằng, công trình nhà ở nội trú được khánh thành ngày hôm nay có giá trị về vật chất và đặc biệt có ý nghĩa về mặt tinh thần với các em học sinh và các thầy cô giáo nơi đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong mỏi, cùng với những điều kiện vật chất, tinh thần khác được Đảng, Nhà nước, các tổ chức trung ương và địa phương, tỉnh và nhân dân trên địa bàn cũng như nhân dân trên cả nước đã hỗ trợ, các nhà trường, các thầy cô giáo và đặc biệt là các học sinh dân tộc bán trú của huyện Mường Nhé sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi, giảm bớt thêm những khó khăn trong sinh hoạt để học tập tốt, nhanh chóng trở thành những chủ nhân của mảnh đất Điện Biên anh hùng vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhân đây, Bộ trưởng cũng chúc cho Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh cùng với nền kinh tế đất nước, có đóng góp thiết thực và to lớn hơn, giải quyết, hỗ trợ những vấn đề khó khăn về vốn của các doanh nghiệp, đồng thời có nhiều các hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả những chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.
Tiếp đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và các đại biểu đã đến thăm trường Tiểu học xã Chung Chải và cụm trường THCS, Tiểu học và Mầm non xã Sín Thầu để tìm hiểu cụ thể điều kiện sinh hoạt, giảng dạy và học tập của cô và trò nơi đây. Đoàn công tác ghi nhận, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng nhân dân tại đây đã phối hợp tốt với các nhà trường tổ chức vận động, giảng dạy và nuôi dưỡng học sinh khá tốt.
HS dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Nhé). Ảnh, gdtd.vn |
Nói chuyện với thầy và trò của các trường đoàn công tác tới thăm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định, năm 2012, tuy còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế đất nước nhưng Chính phủ đã dành 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; đây là ưu đãi rất lớn đối với ngành giáo dục. Tuy vậy, quá trình thực hiện không phải xong trong ngày một ngày hai; do vậy các giáo viên nơi đây còn gặp khó khăn trong sinh hoạt cần chia sẻ khó khăn với ngành, với Nhà nước để từng bước khắc phục, ổn định công tác dạy và học.
Về phía Bộ GD-ĐT, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, ngành TƯ quan tâm hơn nữa đến chính sách đãi ngộ giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa để thầy, trò yên tâm dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nơi đây, từ đó chủ động nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương và nâng cao dân trí, từng bước đưa kinh tế vùng này phát triển đi lên.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã đến thăm và nói chuyện với thầy và trò trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé. Tại đây, sau khi nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2011-2012 của trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, điều kiện học tập và sinh hoạt nội trú của các học sinh trong trường đã tốt hơn nhiều so với các học sinh khác cùng khóa. Do vậy các em phải biết cố gắng để phấn đấu vươn lên trong học tập, thi đậu vào các trường CĐ-ĐH, tốt nghiệp trở về phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đến nay, với tổng số tiền 2.400 tỉ đồng, VietinBanhk đã cùng với các địa phương xây dựng 22.000 ngôi nhà cho người nghèo, 850 cầu giao thông nông thôn, tài trợ gần 1.000 con trâu bò, xây dựng 40 công trình Nhà văn hóa cộng đồng, phòng tránh thiên tai cho các tỉnh… Trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, VietinBank đã tài trợ và xây dựng trên 300 trường Mầm non, tiểu học, THCS, trường Trung cấp y tế, 163 phòng học và nhà nội trú cho học sinh nội trú dân nuôi tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng; Xây dựng 4 Trung tâm trẻ em tàn tật, mồ côi. Tài trợ cho 170 ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo. Tặng 200 sổ tiết kiệm cho con em công dân lao động nghèo, mồ côi cha mẹ, tặng 11.200 cặp phao cứu sinh cho trẻ em vùng sông nước trên cả nước; trên 2.000 xe lăn cho trẻ khuyết tật; trên 5.000 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi; Đặc biệt, nhận tài trợ hàng tháng cho gần 500 trẻ em mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa có hoàn cảnh đặ biệt khó khăn giúp các em tiếp tục cắp sách tới trường… và tham gia các hoạt động an sinh xã hội khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. |
Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về hoạt động của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng Đoàn công tác trong ngày hôm nay (10/3) tại huyện Mường Nhé, Điện Biên (ảnh do PV Báo GD&TĐ Online thực hiện):
Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đại diện Vietinbank trao tặng quà cho các trường. Ảnh, gdtd.vn |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chụp ảnh cùng với thầy trò các trường trên địa bàn xã Sín Thầu. Ảnh, gdtd.vn |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói chuyện với học sinh trường PTDTNT THPT Mường Nhé. Ảnh, gdtd.vn |
và thăm khu bếp ăn nội trú của trường. Ảnh, gdtd.vn |
Đoàn công tác khảo sát tại trường THCS xã Sín Thầu. (Tại đây có đến 6 phòng bán trú tạm bằng tranh tre nứa lá và nhiều phòng học tạm - PV) |
Bá Hải