(GD&TĐ) - “Qua hơn 3 năm thực hiện định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, chất lượng lao động nông thôn (LĐNT) bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm sau đào tạo trên địa bàn huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ được dạy nghề, một số bà con người Mông đã biết buôn bán làm ăn |
Nguồn lao động trên địa bàn huyện Mường Nhé được đánh giá là dồi dào, tuy nhiên phần lớn là LĐNT (gần 20.000 người, chiếm trên 95% tổng số người trong độ tuổi lao động); chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ông Quách Thế Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Huyện Mường Nhé cho biết: Mường Nhé có khoảng 6.850 hộ với gần 36.000 nhân khẩu. Số người trong độ tuổi lao động toàn huyện khoảng 21.000 người, chiếm trên 58% tổng dân số toàn huyện.
Là huyện có gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tập quán canh tác của nhân dân phần lớn còn lạc hậu, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa được người dân chú trọng, năng suất lao động thấp, sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hơn 63%).
Theo ông Quách Thế Nam: Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nên UBND huyện Mường Nhé luôn quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban trực tiếp là Phòng LĐ,TB&XH, Trung tâm Dạy nghề huyện thực hiện có hiệu quả Đề án.
Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Nhé được thành lập từ cuối năm 2011 và đã tổ chức được 19 lớp đào tạo nghề với 659 lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2013, Trung tâm đã mở 6 lớp dạy nghề tại 3 xã: Mường Nhé, Quảng Lâm và Na Cô Sa. Các ngành đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô, phòng trị bệnh cho gia súc, kỹ thuật khai thác mủ cao su…
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc học nghề, phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn bà con tại các bản vùng sâu, vùng xa về phương thức canh tác các loại cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi…
Tuy nhiên, do phần lớn lao động là người dân tộc thiểu số tại các bản vùng sâu, vùng xa, khả năng nhận thức còn chậm; thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường, khả năng giao tiếp hạn chế nên ít người đăng ký học nghề.
Triển khai thực hiện Đề án 1956 từ năm 2010, nhưng đến nay huyện Mường Nhé mới chỉ dạy nghề được cho 1.806 lao động, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số 21.000 người trong độ tuổi lao độngtoàn huyện. Phần lớn lao động sau khi được đào tạo chưa có việc làm thường xuyên mà phải tự tạo việc làm dẫn đến việc tiếp cận với các lĩnh vực sản xuất để nâng cao tay nghề qua thực tế lao động hầu như không có. Hàng năm huyện cũng đã tạo việc làm cho khoảng 400 lao động nhưng đa số LĐNT ngoài sản xuất theo mùa vụ thì hầu như không có việc làm thường xuyên.
Để công tác dạy nghề, tạo việc làm cho LĐNT vùng cực tây Tổ quốc có hiệu quả, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cần có sự nhìn nhận toàn diện, đẩy mạnh công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu, gợi mở vấn đề đưa bà con đến với học nghề, qua đó nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tìm kiếm công việc phù hợp với phong tục tập quán sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Quang
Bình luận