Dù đỉnh lũ có cao đến đâu thì ở ngôi chùa nước cũng chỉ mấp mé tới mép cổng. Đặc biệt, không chỉ nhuốm màu sắc tâm linh và huyền bí, thực tế ngôi chùa còn là nơi mà trước kia người dân quanh vùng thường tìm về tránh lũ mỗi khi mùa nước đến.
Từ tuyến đường ĐT 842 chạy dọc vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, chúng tôi chỉ mất 5 phút chạy xe là vào tới chùa Cổ Sơn, ngôi cổ tự có tuổi đời khoảng hơn 200 năm mà người dân trong vùng quen gọi là chùa nổi này.
Sư thầy Thích An Phát trụ trì chùa cho biết: Thực sự, sư thầy cũng không biết ngôi chùa này chính xác được xây dựng từ năm nào nhưng theo di huấn của các trụ trì đời trước, chùa được thiền sư Thiện Nhiêu xây dựng vào những năm đầu thời vua Gia Long, tức khoảng 1820.
Truyền rằng, ngôi chùa này trước kia là một gò đất nhô cao hơn so với những khu vực khác ở đây. Ngày đó, vùng này còn rất hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm.
Mùa nước nổi quanh năm suốt tháng ngập nước. Hàng ngày, đám trẻ con đi chăn trâu, cắt cỏ thường tụ tập ở gò đất này. Chúng lấy đất nặn thành những pho tượng để vui chơi.
Những bậc phụ huynh thấy vậy, sợ con cái mải chơi quên chăn trâu cắt cỏ bèn lén ném những bức tượng đất ấy xuống sông Vàm Cỏ Tây. Thế nhưng, kỳ lạ thay những bức tượng đất ấy lại nổi lên, không chìm như những hòn đất vô tri khác.
Thấy có sự lạ, đoán rằng đây là vùng đất thiêng, có linh khí nên mọi người bèn vớt các bức tượng ấy lên và xếp ngay ngắn lại, lập một cái am nhỏ để thờ cúng cầu mong mọi sự an lành. Lâu dần, nhiều người biết chuyện đã chung tay góp của cải, sức người để xây chùa.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, chùa bị đổ nát, hư hỏng rất nhiều. Đến năm 1985, chùa mới được xây dựng lại và có hình dáng gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Theo quan sát, chùa Cổ Sơn đúng là tọa lạc trên một khu đất nhô cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng thực tế nó cũng không quá cao bởi địa hình vùng đất này là chiêm trũng, đồng đất nối tiếp nhau.
Nếu tính từ mặt đường nền của ngôi chùa chỉ cao chừng khoảng hơn 1m, được biểu hiện bằng những bậc tam cấp xây lên. Vậy nhưng, sự kỳ lạ lại không chỉ đơn giản là ngôi chùa nằm trên vùng đất cao mà còn bởi, dường như mảnh đất này có linh khí, là nơi để cứu giúp những phận người.
Theo đó, sư thầy Thích An Phát cho biết: Trước kia, vùng Vĩnh Hưng này được coi là rốn lũ sâu nhất của Đồng Tháp Mười. Khi ấy, hệ thống đê bao và thủy lợi chưa được hoàn thiện và cải tạo như bây giờ.
Hàng năm, cứ từ tháng 7 là nước phía bên kia biên giới tràn về mênh mông. Hầu như người dân chỉ có một phương tiện duy nhất là ghe xuống.
Theo đó, nhà nào cũng phải xây dựng sao cho cao hơn và mọi người không ai bảo ai nhưng đều tránh đến gần khu vực sông Vàm Cỏ Tây, bởi lúc này dòng sông rộng mênh mông, nước chảy xiết dễ dàng cuốn đi mọi thứ.
Thế nhưng không hiểu sao ngôi chùa nằm sát mé sông lại không bị nước nhấn chìm bao giờ. Từ đó, không ai bảo ai, mọi người đều tìm về chùa để tránh lũ.
Có lúc, cứ mỗi mùa lũ là người dân lại mang trẻ con đến chùa gửi khiến trong chùa có cả mấy chục em nhỏ. Sau này hệ thống kênh mương, đồng ruộng thủy lợi được hoàn thành, lũ cũng không còn lên cao và hung dữ như xưa nữa nên người dân không phải tìm đến chùa tránh lũ, mặc dù họ vẫn thường xuyên tới chùa làm lễ như một thói quen từ xa xưa vậy.
Theo tìm hiểu, vùng Tuyên Bình (Vĩnh Hưng) này được coi là khu vực chiêm trũng, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Trước kia, khi hệ thống thủy lợi còn chưa phát triển như bây giờ, mỗi mùa nước nổi về là cả khu vực rộng lớn này lại chìm trong biển nước.
Có năm, nước dâng cao đến 2-3m, nhấn chìm hết nhà cửa, làng mạc. Vì thế, chuyện ngôi chùa Cổ Sơn không bị nước nhấn chìm thực sự là rất kỳ lạ.
Tuy vậy, đó không phải là điều duy nhất ở ngôi cổ tự có thiết kế khá bình thường này. Theo cụ Thê Lê - một người dân ở ấp Cả Bản (xã Tuyên Bình) năm nay ông đã 87 tuổi và khi còn rất nhỏ ông đã thường xuyên ra chùa nổi chơi đùa cùng chúng bạn.
Đặc biệt, ở chùa có một cây trôm rất lâu năm. Từ lúc ông còn bé, cây trôm đã có cho đến ngày nay, tuổi đời của nó cũng lên đến hàng trăm năm chứ không ít hơn.
Hơn nữa, theo ông Thê thì mủ cây trôm này rất nhiều, lại ngọt mát khiến nhiều người thích thú. Cả ấp có hàng trăm hộ dân, mỗi hộ đều mang chai lọ ra lấy mủ trôm mà không bao giờ hết.
Đặc biệt, mủ cây trôm này chỉ có vào ban đêm còn ban ngày dù có cạo ở bất cứ nơi nào trên thân cây cũng không có một chút mủ nào.
Mặc dù những câu chuyện dân gian nổi tiếng ở chùa Cổ Sơn đều đã được mọi người gần xa biết đến từ hàng trăm năm nay, nhưng hiện nay chùa Cổ Sơn còn được nhiều người nhất là các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học quan tâm đặc biệt bởi nơi đây còn chứa đựng nhiều dấu ấn khảo cổ học, đặc biệt là khảo cổ học của nền văn hóa Óc Eo cổ.
Cụ thể, từ năm 2000 - 2002, các nhà khảo cổ học đã thu nhặt và tìm thấy nhiều di vật cổ của nền văn hóa Óc Eo tại chùa. Đó là những mảnh gốm, diềm ngói, gạch xây dựng… có niên đại và hình dáng gần giống với các mẫu vật được tìm thấy ở các khu di tích Óc Eo khác trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông trước đó.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng xét về địa hình thì khu vực này cũng như nhiều khu vực tìm thấy dấu tích khác của nền văn hóa Óc Eo là khá tương đồng.
Đó chính là việc cư dân Phù Nam cổ thường cư ngụ, thờ cúng và xây dựng những tín ngưỡng linh thiêng của mình ở những khu gò đất nhô cao hơn so với mặt bằng chung của địa chất quanh vùng.
Chính vì thế, nơi đây được cho là một trong những dấu tích quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu sự phân bố dân cư rộng khắp của những cư dân cổ đại ở vùng đất này, bởi cách đây hàng ngàn năm khu vực này gần như chỉ là một biển nước vào mùa mưa, rất khó để con người có thể cư ngụ.
Chính vì thế, cách đây hơn 10 năm quần thể chùa Cổ Sơn này đã được tỉnh Long An công nhận là di tích cấp tỉnh và tạo điều kiện để nhiều du khách ở khắp nơi có thể tìm đến đây.
Hiện nay, chùa thường đón nhiều du khách thập phương tới chiêm ngưỡng, cầu an. Có thể nói, đứng trên chiếc cầu sắt bắc ngang qua dòng Vàm Cỏ Tây dẫn vào chùa giữa mênh mông mùa nước nổi bắt đầu tràn về, nghe văng vẳng tiếng chuông chùa đang vang vọng êm đềm trong lòng không khỏi bâng khuâng.
Dường như đó chính là tiếng gọi linh thiêng của tiền nhân, những người đầu tiên đi mở cõi ở vùng đất này vọng về xa thẳm.
Có lịch sử từ hơn trăm năm chùa Cổ Sơn mang trong mình những điều ly kỳ, linh thiêng lưu truyền đời này qua đời khác mà không thể kiểm chứng. Chỉ có những người dân bám đất tại ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình này vào mỗi mùa nước nổi, lại chứng kiến ngôi chùa cổ nhô cao giữa mênh mông nước như một ngọn núi thách thức những con nước lũ dâng cao của vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười này. |