Hủy kê biên một căn nhà của vợ ông Trần Bắc Hà

GD&TĐ - Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của con gái ông Trần Bắc Hà khi hủy kê biên một căn nhà ở TPHCM. Các quyết định của cấp sơ thẩm về phần hình phạt với 12 bị cáo trong vụ được giữ nguyên.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Không có căn cứ kêu oan

Chiều 29/6, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm với kháng cáo của 3 trong số 12 bị cáo tại vụ án thất thoát 1.670 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Những người kháng cáo gồm Đinh Văn Dũng – nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà và vợ chồng Đoàn Hồng Dũng - nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn - cổ đông của Công ty Trung Dũng.

Qua 2 ngày làm việc, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm khẳng định ông Trần Bắc Hà – cố Chủ tịch BIDV đã yêu cầu cấp dưới cho doanh nghiệp sân sau của mình là Bình Hà, Trung Dũng vay tiền trái quy định dẫn đến thất thoát.

Nhóm người tại 2 doanh nghiệp này còn chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng là tiền bán tài sản hình thành từ khoản vay của BIDV. Xét kháng cáo của Đinh Văn Dũng, HĐXX cho rằng quá trình điều tra và tại các phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động tại Công ty Bình Hà, trong đó có việc bán số bò được mua từ tiền vay của BIDV.

Dòng tiền này sau đó được chuyển về vào tài khoản cá nhân để bị cáo và Trần Duy Tùng (con ông Trần Bắc Hà), Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà) sử dụng, góp vốn vào chính Công ty Bình Hà.

Tại tòa phúc thẩm, Đinh Văn Dũng không thừa nhận hành vi nhưng HĐXX cho rằng có căn cứ xác định do không có tiền góp vốn tại Bình Hà, bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền bán bò là tài sản đảm bảo cho khoản vay của BIDV để sử dụng cá nhân.

“Án 12 năm tù với bị cáo là đúng. Bị cáo kêu oan và không nhận tội là thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo 12 năm tù không nặng, không oan” - chủ tọa nêu.

Giữ nguyên phần hình phạt

Với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đoàn Hồng Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, HĐXX thấy 2 bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối, mua bán số phôi thép và thép phế lòng vòng dù đây là tài sản đảm bảo của BIDV, muốn bán phải được BIDV đồng ý.

Số tiền thu được, vợ chồng bị cáo mang đi trả nợ chỗ khác hoặc chi tiêu cá nhân, không chuyển về ngân hàng. Theo tòa cấp phúc thẩm, hành vi của vợ chồng bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền rất lớn và gây thiệt hại cho BIDV.

Tại tòa, bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn cùng xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không đưa ra được tình tiết nào mới để làm căn cứ kháng cáo. Mức án 18 năm tù với ông Dũng là đúng quy định; mức án 3 năm tù của bà Sơn bị cấp phúc thẩm đánh giá là quá nhẹ.

Bị cáo Sơn xin được hưởng án treo để có thể khắc phục hậu quả nhưng thực tế, bị cáo mới nộp 100 triệu đồng cho BIDV – quá ít so với số bị chiếm đoạt và chính bị cáo cũng thừa nhận không còn tài sản để khắc phục.

Từ những phân tích trên, HĐXX quyết định bác tất cả kháng cáo về phần hình phạt trong vụ. Về phần dân sự trong vụ án, tòa phúc thẩm cũng bác kháng cáo của vợ bị cáo Đinh Văn Dũng khi đề nghị hủy kê biên một số tài sản.

Bị cáo này và Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn phải trả số tiền đã chiếm đoạt của BIDV; các công ty Trung Dũng, Bình Hà phải trả nợ kèm lãi suất cho ngân hàng.

Hủy kê biên một căn nhà

Xét kháng cáo của vợ Trần Duy Tùng (chưa đăng ký kết hôn), tòa phúc thẩm xác định chị có đề nghị hủy chặn giao dịch với 5 tỷ đồng liên quan vụ án. Tại tòa, người phụ nữ đã rút kháng cáo nên được HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Với chị Trần Lan Phương, tòa án xác định bà Ngô Kim Lan đã mất tháng 4 vừa qua và chị Phương được người trong gia đình đồng ý cho thừa kế quyền, nghĩa vụ kháng cáo của mẹ là đúng quy định pháp luật.

Chị Phương giữ kháng cáo của mẹ, xin được giữ lại một số bất động sản ở TPHCM. Cấp phúc thẩm xét thấy trong số những tài sản đã bị kê biên, có 5 bất động sản ở TPHCM cùng đứng tên sở hữu của ông Trần Bắc Hà và vợ là bà Ngô Kim Lan.

Ngoài ra, bà Lan còn đứng tên sở hữu 2 bất động sản khác ở TPHCM, gồm nhà, đất tại 60A Bà Huyện Thanh Quan (Quận 3) và bất động sản ở TP Thủ Đức (TPHCM).

Chị Phương đã xuất trình các tài liệu thể hiện 2 khu đất này bà Lan có được do em gái tặng hoặc là tài sản riêng, đã lập thỏa thuận với ông Trần Bắc Hà từ trước khi vụ án xảy ra.

Xem xét việc này, HĐXX thấy nhà đất ở số 60A Bà Huyện Thanh Quan là tài sản riêng của bà Lan theo đúng Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... Điều này đã được ông Hà và bà Lan thỏa thuận bằng văn bản, có xác nhận của cơ quan chức năng; bất động sản ở TP Thủ Đức có căn cứ để tiếp tục kê biên.

Ngoài ra, chính quyền địa phương xác nhận gia đình chị Phương và các con của Trần Duy Tùng đang sinh sống tại số nhà 60A Bà Huyện Thanh Quan.

Từ những căn cứ này, TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Lan Phương, tuyên hủy bỏ lệnh kê biên nhà đất tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan để gia đình bà được sử dụng; các tài sản khác tiếp tục bị kê biên, phong tỏa, chặn giao dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.