Tuy nhiên, kiểm sát viên cho rằng vợ chồng ông Hà đã mất, bị can Trần Duy Tùng lại bỏ trốn nên cần tiếp tục kê biên để sau này xử lý theo quy định.
Nhiều lãnh đạo bị xử lý
Ngày 28/6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại ngân hàng TMCP BIDV, Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng.
Phiên tòa được mở theo kháng cáo của 3 bị cáo trong đó Đinh Văn Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Bình Hà kêu oan cho rằng mình không phạm tội và không chấp nhận án 12 năm tù tòa án cấp sơ thẩm tuyên cho mình.
Vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng – nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Hà Nam kháng cáo, xin được giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, ông Dũng phải nhận 18 năm tù, bà Sơn 3 năm tù.
Theo án sơ thẩm, ông Trần Bắc Hà – cố Chủ tịch BIDV đã lợi dụng chức vụ, yêu cầu cấp dưới cho doanh nghiệp sân sau của mình là Công ty Bình Hà vay tiền thực hiện dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh.
Cấp dưới của ông Hà tại BIDV biết Bình Hà là doanh nghiệp mới thành lập, chưa có năng lực thực hiện dự án nuôi bò quy mô lớn nhưng vẫn giảm điều kiện; phê duyệt khoản vay. Kết quả, Công ty Bình Hà không thể trả hơn 799 tỷ đồng tiền nợ BIDV.
Theo hợp đồng vay vốn, tiền bán bò của Bình Hà phải được chuyển về BIDV để trừ nợ. Tuy nhiên, Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) và một số đối tượng đã yêu cầu chuyển tiền bán bò về tài khoản của mình để chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng.
Cũng theo án sơ thẩm, Công ty Trung Dũng là doanh nghiệp hết sức khó khăn, không có tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà vẫn chỉ đạo các bị cáo thuộc BIDV cho công ty này vay tiền trái quy định dẫn đến ngân hàng không thể thu hồi khoản nợ hơn 864 tỷ đồng.
Ngoài ra, số phôi thép được mua từ tiền vay BIDV là tài sản của BIDV; muốn bán phải được ngân hàng đồng ý nhưng vợ chồng Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã tự ý bán số thép này rồi chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.
Do những hành vi trên, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn và Trần Quang Anh (cháu ông Trần Bắc Hà) án tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, 8 bị cáo khác là cán bộ, lãnh đạo của BIDV phải nhận từ phải nhận từ 3 đến 8 năm tù như các ông Trần Lục Lang, Đoàn Anh Sáng – cùng nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV… Về dân sự, tòa sơ thẩm tuyên các doanh nghiệp phải trả nợ BIDV; vợ chồng Dũng, Sơn phải trả tiền chiếm đoạt…
Ông Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng bị xác định có trách nhiệm chính trong vụ nhưng ông Hà đã mất, Tùng bỏ trốn nên chưa bị xử lý hình sự; tài sản của 2 người tiếp tục bị kê biên, chặn giao dịch.
Con gái ông Trần Bắc Hà kháng cáo
Tại tòa, chị Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) được triệu tập với tư cách là người thừa kế quyền và nghĩa vụ của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (đã mất). Chị Phương giữ kháng cáo, nói không đồng tình với một số nội dung trong bản án sơ thẩm đề cập đến việc phong tỏa, kê biên tài sản liên quan ông Trần Bắc Hà.
Chị Phương cho rằng, có 2 bất động sản ở Quận 3 và TP Thủ Đức (TPHCM) là tài sản riêng của bà Lan, do được tặng hoặc tự mua nhưng bị cơ quan tố tụng xác định là tài sản chung của bà Lan, ông Hà.
Được hỏi về số tiền khoảng 7 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của bà Lan đang bị phong tỏa, chị Phương cho rằng đó là khoản do công ty bất động sản chuyển vào sau khi bà Lan về hưu và có giấy tờ ủy nhiệm chi. Vì vậy, chị Phương đề nghị tòa phúc thẩm cho mình giữ lại các bất động sản trên để gia đình có nơi sinh sống.
Cũng tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng giữ nguyên kháng cáo kêu oan và cho rằng mình không chỉ đạo việc thu tiền bán bò và dù ngồi ghế Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà nhưng có nhiều việc, bị cáo không được quyết định.
Vợ chồng bị cáo Dũng, Sơn xin giữ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mong được cho cơ hội khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Dũng nói: “Mong tòa cho bị cáo được khắc phục hậu quả nhưng khắc phục ngay một lúc thì khó, phải vay mượn, nhờ cậy dần dần”.
Đề nghị bác kháng cáo
Kết thúc xét hỏi, đại diện viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Đinh Văn Dũng kêu oan nhưng từ lời khai của các đối tượng khác và hồ sơ thể hiện, Dũng trực tiếp chỉ đạo chuyển tiền bán bò vào các tài khoản mình cung cấp.
Hành vi này giúp sức nhóm Trần Duy Tùng chiếm đoạt tài sản và còn khiến BIDV giải ngân tiền vay cho Công ty Trung Dũng dẫn đến thất thoát hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng.
Xét kháng cáo của Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, kiểm sát viên cho rằng cả 2 đã thừa nhận sai phạm như nội dung án sơ thẩm đã tuyên. Các bị cáo lợi dụng sự tin tưởng của BIDV khi giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô thép là tài sản đảm bảo khoản vay để mang số hàng này đi bán.
Hành vi này khiến BIDV không thể quản lý tài sản, dòng tiền liên quan khoản vay. Tiền thu được, vợ chồng Dũng, Sơn không trả BIDV mà mang đi thanh toán cho các đối tác khác hoặc sử dụng mục đích riêng.
Về kháng cáo của con gái ông Trần Bắc Hà theo thừa kế của bà Ngô Kim Lan, kiểm sát viên cho rằng tài sản của bà Lan, ông Hà hình thành sau hôn nhân. Hiện tại, cả 2 ông bà đã mất và con trai Trần Duy Tùng bị xác định có vai trò chính lại đang bỏ trốn.
Do đó, kiểm sát viên thấy cần phải kê biên những tài sản này để thi hành án, khi nào bắt giữ được Trần Duy Tùng sẽ xử lý theo pháp luật. Do đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm bác tất cả kháng cáo trong vụ, tuyên y án sơ thẩm.