Rodrigo Duterte - “giọt nước” tràn ly?
Bộ Ngoại giao Philippines đã thông báo cho Đại sứ quán Mỹ tại Manila về việc chấm dứt hiệp ước về lực lượng quân sự nước ngoài của Tổng thống Philippines - Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Dodo Dulay xác nhận. Quân đội Mỹ đã hiện diện ở Philippines từ cuối thế kỷ 19.
Tuy nhiên, nhiều khía cạnh pháp lý về vấn đề này vẫn chưa được giải quyết cho đến năm 1998, khi một hiệp ước song phương được ký kết. Hiệp ước này quy định các quy tắc cho việc nhập cảnh và ở lại Philippines của quân đội Mỹ, cho phép Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự và cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở nước này. Thỏa thuận cũng có một điều khoản liên quan đến việc tàu của Hải quân Hoa Kỳ vào cảng Philippines.
Trên thực tế, không ít lần ông Rodrigo Duterte nói bóng gió về ý định “xé” hiệp ước này, tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa đến. Theo các nhà phân tích, sự cố với đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Philippines - Thượng nghị sĩ Ronald Rosa là giọt nước tràn ly. Ông Ronald Rosa đã bị Washington từ chối gia hạn visa Mỹ.
Còn nhớ, trước khi trở thành thành viên của Thượng viện Philippines, Ronald Rosa là người đứng đầu cảnh sát nước này, người trực tiếp thực hiện chiến dịch chống buôn lậu ma túy, dẫn đến cái chết của hàng nghìn người của Tổng thống Philippines.
Ngoài ra, ông Ronald Rosa bị nghi ngờ có mối liên hệ với mafia ma túy. Những hành động tàn bạo của cảnh sát Philippines đã bị các tổ chức nhân quyền và các cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ tố cáo.
Chưa hết, Ronald Rosa còn bị buộc tội đứng đằng sau các vụ kiện chống lại cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines Leyla de Lima. Leyla de Lima được coi là một trong những đối thủ kiên định nhất của chiến dịch chống buôn bán ma túy do Duterte phát động.
Cuộc đấu tranh với Tổng thống mang lại kết cục buồn cho de Lima. Bà bị buộc tội tổ chức buôn bán ma túy và nhận tiền của những kẻ buôn bán ma túy từ năm 2010 đến 2015, khi là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. De Lima tuyên bố rằng vụ kiện chống lại bà được Duterte khởi xướng và dựa trên lời khai sai sự thật.
Là người có quan hệ tốt với Mỹ nên việc de Lima nhận được sự hỗ trợ của các nhóm có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ cũng là điều dễ hiểu. Ngay sau đó, hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ - Dick Durbin và Patrick Leahy đã soạn thảo một dự luật cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với những quan chức Philippines có liên quan đến vụ kiện chống lại de Lima, trong số đó có Ronald Rosa.
Một quyết định gây tranh cãi
Trong bối cảnh rất cần sức ép của Mỹ để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông, quyết định chấm dứt thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines của Duterte thậm chí không được các thành viên trong chính phủ của ông ủng hộ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Theodoro Locsin. Jr phản đối việc chấm dứt hiệp ước. Ông Theodoro Locsin.Jr cho rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông sẽ rất lớn, nếu xung khắc với Hoa Kỳ sẽ không có ai chống lưng.
Ngoài ra, nếu gia tăng căng thẳng với Washington, Manila có thể mất các khoản đầu tư lớn. Từ năm 2016 - 2019, Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 550 triệu USD cho quốc phòng Philippines.
Theo Guardian, Thượng viện Philippines có xu hướng ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao. Một số Thượng nghị sĩ có động thái ngăn cản quyết định của Tổng thống, tuy nhiên, Rodrigo Duterte vẫn giữ quan điểm riêng của mình.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga D. Mosyakov tin rằng, hành động của ông Duterte cho thấy, ông không chỉ tức giận vì Mỹ không cấp thị thực cho Ronald Rosa.
Nhà lãnh đạo Philippines không thể không thấy rằng các chính sách của ông Donald Trump nhằm mục đích hạn chế sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên thế giới. Sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tiêu diệt các phiến quân Hồi giáo ở Philippines vừa qua là chưa đủ.
Ngoài ra, D. Mosyakov cho rằng: “Ở khu vực này, càng ngày Washington càng ít dựa vào các đồng minh truyền thống của họ. Và giờ đây, các căn cứ quân sự ở Philippines không quá quan trọng đối với Mỹ. Hải quân Hoa Kỳ có thể vào Singapore miễn phí, cùng với đó, một căn cứ trên đảo Guam là khá đủ để kiềm chế Trung Quốc”.
D. Mosyakov không loại trừ rằng, việc phá vỡ hiệp ước của Rodrigo Duterte chỉ nhằm mục đích kích động Hoa Kỳ mạnh tay hơn nữa trong việc giúp đỡ Philippines. Nếu giả thuyết này là chính xác, người Mỹ có thể không cần phải “xuống nước” với Rodrigo Duterte.
Giả thuyết của D. Mosyakov khiến dư luận chú ý tới phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước quyết định của Rodrigo Duterte. Ông Trump tuyên bố “không bận tâm” với quyết định này, nhưng không quên nhắc lại tình bằng hữu rất tốt với Rodrigo Duterte.
Quyết định của Rodrigo Duterte là dứt khoát hay chỉ là chiến thuật gây sự chú ý của Mỹ đối với Philippines? Câu hỏi này chỉ có thời gian mới có thể trả lời được.