Hương trà thơm mãi ngàn năm

GD&TĐ - "Quyển sách ấy, dù đã đọc cách đây bao năm, nhưng khi nhớ đến, nó vẫn như “mùi trầm hương lơ lửng”, như hương trà nồng ấm phảng phất trong lòng".

Hương trà thơm mãi ngàn năm

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết: “Tôi cũng không theo Phật, nhưng thích cái mùi trầm hương lơ lửng mỗi khi đi ngang qua chùa, nó như một cơn gió nhỏ, làm mát lành những thương tổn, làm nguội đi những khát vọng điên cuồng, người tôi như mềm ra, nhẹ bâng...”. Đọc những dòng trên, tôi bỗng nhiên liên tưởng đến một quyển sách mà mình từng đọc từ thời thanh xuân. Quyển sách ấy, dù đã đọc cách đây bao năm, nhưng khi nhớ đến, nó vẫn như “mùi trầm hương lơ lửng”, như hương trà nồng ấm phảng phất trong lòng.

Lần đầu tiên tôi đọc “Trà hoa nữ” là năm thứ hai ở trường đại học. Lúc mượn từ thư viện về trông quyển sách tả tơi. Bìa đã cũ kĩ, gáy đã sờn bạc. Giấy đã ngả màu vàng úa. Một số trang bị rách. Rồi cũng không bận tâm nhiều đến hình thức bên ngoài của nó, mình đọc. Đọc ngấu nghiến. Đọc say mê. Đọc như đang được thưởng một món ăn gì mà bấy lâu mình thèm. Đọc xong, tôi không nỡ gấp trang cuối lại. Có cảm giác rằng, tôi không thể chấp nhận sự thật là cuốn sách đã được đọc xong. Nó đã kết thúc trong hụt hẫng và để lại một nỗi buồn mênh mang cho bất kỳ ai đã đọc. Tôi muốn nó kéo dài thêm. Nhà văn phải viết ưu ái cho nhân vật tôi yêu. Cô ấy không thể chết trong nỗi cô đơn và trong sự vô cảm của mọi người như thế.

Bởi thế, đọc xong tôi như bị quyển sách ấy thôi miên mất một thời gian dài. Đi đâu, làm gì, tôi cũng có cảm giác ngơ ngẩn buồn. Nhiều khi bè bạn cùng lớp không hiểu cứ ngỡ mình bị… thất tình. Là Marguerite khiến mình ra nông nỗi như thế. Nhưng cũng đáng vì hạnh phúc được yêu thương nhân vật ấy.

Thực ra, không phải khi đọc đến hết trang cuối cùng quyển tiểu thuyết của Duymas, mình mới thấy yêu nàng Marguerite mà ngay từ khi bắt gặp khuôn mặt trái xoan duyên dáng cùng hàng mi dài mà mỗi khi cúi xuống như để bóng râm trên sắc hồng trên má nó đã khiến trái tim mình lỗi nhịp. Chao ôi, sao có thể có một cô gái “Đẹp” và… đến như vậy. Từ đấy, hình như mình cũng muốn lân la đi tìm Marguerite cho riêng mình… ở xứ ta. Rồi bài thơ đầu tiên, mình viết tặng nàng. Tỏ tình cùng nàng đã bắt đầu tự nhiên như thế:

Quyển tiểu thuyết hiện dần đôi mắt nâu

Xoáy vào ta trăng trối

Bàn tay nàng đớn đau cùng con chữ

Người yêu xa sao chẳng thấy về

Xoá.

Ta viết cho nàng Marguerite chẳng riêng của Dumas

Quanh cái chết không còn cô đơn nữa

Có chàng trai về kịp

Bình minh Paris

Trao nụ hôn cứu sống một bông hồng

Xoá.

Ta chẳng có gì gửi đến nàng Marguerite nơi thành phố phồn hoa

Những cánh hoa trà phủ đầy mộ đắng

Có chàng trai lẳng lặng

Gọi mấy mươi mùa đông rồi…

Marguerite… Marguerite…

nàng… ơi!..

Lần thứ hai, tôi gặp lại “Trà hoa nữ” là ở thư viện tỉnh Nghệ An. Lục lọi tài liệu làm luận văn và tình cờ thấy “nàng”. Lần này, “nàng” ăn vận đẹp hơn. Bìa cứng, ruột còn thơm nức mùi giấy mới. Những con chữ rõ ràng, đều đặn nổi bật trên nền giấy trắng tinh. Nhưng cái hút tôi, dĩ nhiên là không phải cái vẻ ngoài ưa nhìn ấy mà chính là ở cái tên “Trà hoa nữ”. Cái tên kí danh cho nàng Marguerite – không giống bất kỳ một người phụ nữ khác, nàng luôn đi một mình và gặp người quen thì mỉm cười theo cách riêng tư, kín đáo nhất. Đều đặn mỗi tháng, hai mươi lăm ngày hoa trà trắng, năm ngày hoa trà đỏ, vì thế người ta vẫn gọi nàng là “Trà hoa nữ”. Có lẽ linh hồn của cuốn tiểu thuyết là ở nàng - ở mùi hương lạ kỳ mang tên “Trà hoa nữ”.

Trở lại với giây phút bắt gặp lại “nàng” trong thư viện, tôi đứng bất thần trong giây lát, nhưng rồi đã cầm lấy quyển sách rất nhanh. Có cảm giác như phải cầm lấy thật nhanh không thì nó tuột mất. Thường cái gì đã từng đọc rồi ít khi tôi muốn tìm đọc lại thêm lần nữa. Lạ, riêng “Trà hoa nữ” thì không. Tôi vẫn có cái cảm giác “thèm” đọc dù không còn nồng nàn như xưa. Lần này, tôi đọc chậm rãi hơn. Tôi thấy yêu hơn Marguerite và cả… Armand. Không còn có cái cảm giác hụt hẫng, buồn mênh mang như lần đầu tiên đọc hết cuốn sách năm nào. Giờ đây, tôi thấy bình tâm hơn, thấu hiểu hơn với cái sự thật nghiệt ngã, nàng đã chết. Phía sau cuộc sống hào nhoáng ở kinh đô ánh sáng là những bóng tối thảm thương.

Cũng như trong đời sống của chúng ta ngày nay, ai dám chắc rằng đằng sau những bức ảnh đẹp mà chúng ta đang hàng giờ, hàng ngày bắt gặp trên Facebook, Zalo… ấy lại không có những đổ vỡ, đớn đau. Cái đổ vỡ, đớn đau bởi lẽ chúng ta rất khó tìm thấy cho mình một tri kỉ thật sự. Như suốt cuộc đời Marguerite đã mang niềm vui, bầu bạn cùng bao tâm hồn đơn độc nhưng chính nàng lại trong những giây phút cuối đời, bệnh tật không có một ai bên cạnh sẻ chia. Nàng phải tự chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo như cách nhiều người trong chúng ta đang phải tự chống chọi lấy nỗi cô đơn. Nhưng nàng vẫn còn đó một tâm hồn đồng điệu. Đó là Armand – chàng trai bất chấp mọi rào cản khốc liệt, ghê gớm của địa vị, đẳng cấp… để sưởi ấm nàng bằng hương trà phủ đầy lên mộ. Để rồi, nhân gian sau cùng cũng thấu hiểu:

Gửi em Marguerite đã ngủ yên

ngày hai mươi định mệnh

em trút hơi thở nặng nhọc sau cùng

thành phố lạnh lùng

mây trời tang tóc

mấy năm sau người dân Paris đã khóc

cho mối tình Trà hoa nữ - Armand.

Cuộc sống hiện đại, nhiều thứ đã đổi khác và tình yêu cũng thế. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Tình Yêu theo nghĩa lớn nhất vẫn là sự hi sinh cho người mình yêu - một sự hi sinh chỉ có hai người yêu thương nhau mới hiểu thấu được. Cũng trong đời sống lắm bất trắc này, nếu chúng ta tìm được cho mình một “hương trà” như một cuốn sách vượt lên trên mọi định kiến, một cuốn sách chúng ta có thể đọc chậm được ở nhiều nơi, nhiều lần, tôi tin trong lòng các bạn sẽ cảm thấy bình an hơn, sẽ “mát lành những thương tổn”, “nguội đi những khát vọng điên cuồng” để sống yêu thương nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ