Theo Phanbook và NXB Phụ nữ - đơn vị ấn hành tác phẩm của tác giả Nguyễn Ngọc Tư cho biết, tiểu thuyết Biên sử nước gồm 11 chương với nội dung được trình bày theo kết cấu vòng tròn, không diễn tiến, không kết thúc.
Trái tim và lời nguyền của nước
Mỗi chương trong Biên sử nước như một truyện ngắn độc lập. Tiểu thuyết xoay quanh một trận đại hồng thủy mở ra và không thể khép lại (giống như sự khởi đầu - alpha nhưng không có kết thúc - omega). Đức Ngài với trái tim cứu rỗi trở thành trung tâm, biểu tượng của tính thiêng, nơi phát xuất lời nguyền và cũng là nơi cứu rỗi khổ lụy, nơi đánh mất cũng là nơi khuyến dụ mọi nỗ lực tìm đoạt.
Nhưng trái tim cứu rỗi của Đức Ngài đang thuộc về ai? Liên tục những cuộc ra đi. Sự cuồng tín trương nở giữa một hiện thực trên bờ vực suy thoái không thể vãn hồi.Với kết cấu mỗi chương tách rời, có thể xem như một truyện ngắn độc lập nhưng “kết dính” với nhau bằng thông điệp xuyên suốt.
Trước khi bắt tay vào viết Biên sử nước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có cuộc “khảo sát” cõi mênh mông vô tận và thẳm sâu cùng những “biến tính” của nước. Chị hiểu nước như một ngư dân, thuộc nước như một nhà nghiên cứu. Mà thực ra, trên hành trình gắn bó với nước, Nguyễn Ngọc Tư đã thẩm thấu từ thời viết Sông.
Sông cũng là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khi ra mắt bạn đọc vào năm 2012 đã được nồng nhiệt đón nhận. Càng về sau, người yêu văn chương càng “săn lùng” cả tiểu thuyết và tác giả bởi sự yêu mến, ngưỡng mộ những con chữ chân chất rất… Cà Mau.
Sau những truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Ngọn đèn không tắt… thì Sông đã làm xôn xao tâm trạng của biết bao người đọc. Sông được xem là một sự đổi thay toàn diện của chính Nguyễn Ngọc Tư. Có người đã nhận xét về Sông ngắn gọn như thế này: Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo.
Vẫn là hình ảnh dòng nước mênh mông nhưng con sông Di trong tiểu thuyết này vừa hiện thực lại vừa mang tính hư ảo. Người đọc đừng quá tìm kiếm thứ sông nước đặc mùi bản chất vì Sông không phải đơn thuần tập trung miêu tả một dòng nước chảy, mà nó ẩn bên dưới là cái sự trôi của những con người, những cuộc đời như sông.
Sông chứng kiến tất cả cuộc đi, những hành trình mất hút, biệt tăm mãi mãi. Chôn vùi dưới lòng sâu câm lặng những nỗi cay đắng, những phút tìm quên. Giọng tiểu thuyết chảy trôi chầm chậm như con sông Di nửa hư cấu mà như thực tại. Nó cuốn người đọc vào cuộc đi bất tận để đến nơi nào đó cũng hư ảo như sông.
Nguyễn Ngọc Tư tâm sự khi mình viết thì không có chủ đích “hoạch định chỉ tiêu” hay lập trình tác phẩm cho từng năm, từng chủ đề, chỉ viết bằng “sự mơ mộng, tưởng tượng về một thế giới chưa từng tới, về những con người chưa từng thấy, những con người chưa từng gặp hoàn toàn không vì một trải nghiệm nào”.
Theo Phanbook, dù ngày 1/11 này mới ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Biên sử nước, nhưng đơn vị đã nhận được trên 3.000 đơn đặt hàng từ các nhà phát hành. Đây là con số phát hành đáng mừng đối với tiểu thuyết của tác giả Việt Nam đương đại trong bối cảnh thị trường sách khó tiêu thụ như hiện nay.
Hổ mẫu sinh hổ tử
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976, sống tại Cà Mau. Chị là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tản văn nổi tiếng: Đảo, Khói trời lộng lẫy, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Không ai qua sông, Hành lý hư vô... Nhà văn từng nhận nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế như: giải Văn học Tuổi Hai mươi, giải Văn học ASEAN 2008... Một số tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Hàn, Anh, Đức và Thụy Điển.
Mới đây, con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là bé Cao Khải An (12 tuổi) được trao giải thưởng Dế Mèn ở hạng mục “Khát vọng Dế Mèn” với tập truyện đầu tay “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm”.
Bay ra cùng con nhận giải, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ rằng có góp ý bản thảo cho con. Khi con gửi bản thảo đi dự thi, chị đã dự báo “gửi cho vui thôi chứ truyện của con chẳng có bài học đạo đức nào nên sẽ không được giải”: “Tôi cũng bất ngờ. Vì xưa nay cháu học hành bình thường và không mấy hứng thú đọc sách. Cháu viết được đến đâu thì hay đến đó, tôi không can thiệp”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết.
“Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” gồm những mẩu chuyện nhỏ khôi hài, đôi khi rất… lơ tơ mơ về những chuyện xảy ra quanh mình. Đoạn văn “Sanh ở trong Thùng Rác, có kèm theo một tờ giấy, ghi là sanh vào ngày 25/1/2009, và con được ba má nhặt về, tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi” là cách Cao Khải An tự giới thiệu về mình ở đầu tập truyện.
Điểm rất mạnh và gây bất ngờ ở cậu bé 12 tuổi này là vốn sống dồi dào, chữ nghĩa phong phú, chất Nam Bộ đậm đà. Khi bà ngoại đã mất, cậu bé cảm thấy: “Đúng là bà ngoại còn sống thật. Ở trong cái tính hay quên của mẹ, trong cái cây ngoại trồng, trong gương mặt của dì Út. Hay ở trong mấy món ăn mà mợ Ba nấu đãi cả nhà, món nào cũng mang hương vị đậm đà đặc trưng của bà ngoại”.
Nguyễn Ngọc Tư nói chị không ngăn cản con viết, nhưng việc con viết và trở thành nhà văn nổi tiếng hay không phụ thuộc vào con chứ không liên quan tới những hi vọng của mẹ.