Hướng tới mục tiêu bao phủ vắc-xin Rota toàn quốc vào năm 2026

GD&TĐ - Bộ Y tế và UNICEF cho biết sẽ phối hợp, thúc đẩy việc triển khai vắc-xin Rota. Từ đó, hướng tới bao phủ vắc-xin Rota toàn quốc vào năm 2026.

Trẻ được uống vắc-xin Rota miễn phí tại trạm y tế xã Văn Hán (Thái Nguyên).
Trẻ được uống vắc-xin Rota miễn phí tại trạm y tế xã Văn Hán (Thái Nguyên).

Tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức chiến dịch truyền thông với chủ đề "Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên”.

Chiến dịch đã cung cấp cho các cha mẹ và người chăm sóc trẻ những kiến thức về virus Rota và lợi ích của việc tiêm phòng đúng lịch. Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.

Theo khảo sát do UNICEF thực hiện, 94% phụ huynh và người chăm sóc trẻ cho biết, họ quan tâm hơn đến việc tiêm chủng sau khi tiếp cận nội dung của chiến dịch. Mức độ hiểu biết về vắc-xin Rota cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ hiểu đúng tăng từ 65% lên 85%.

Tỷ lệ phụ huynh có con trong độ tuổi phù hợp nhưng chưa hoặc không có ý định đưa con đi uống vắc-xin Rota chỉ chiếm 0,34%. Đáng chú ý, 78% người tham gia khảo sát khẳng định, họ hiểu “rõ” hoặc “rất rõ” về vắc-xin này.

Theo số liệu thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, tính đến hết tháng 5, số liều vắc-xin Rota được triển khai miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là hơn 297.000 liều.

Trong đó, gần 181.000 trẻ em được uống vắc-xin Rota liều thứ nhất và hơn 116.200 trẻ hoàn thành đủ hai liều vắc-xin.

Vắc-xin Rota được ghi nhận có tính an toàn cao, chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ có phản ứng thông thường sau tiêm chủng như nôn, sốt nhẹ hay tiêu chảy.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế và UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc triển khai vắc-xin Rota trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn quốc vào năm 2026.

Tiêu chảy cấp do virus Rota, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người.

Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Ở các nước đang phát triển, hằng năm, có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Do đó, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng.

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã xác định, virus Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thùng phiếu có biểu tượng của CEC.

Tình hình nóng ở Moldova

GD&TĐ -Ủy ban Bầu cử Trung ương Moldova (CEC) đã quyết định cấm một đảng đối lập theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tham gia cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.