Hướng tới một ASEAN sáng tạo và phát triển bền vững

GD&TĐ - Chất lượng nguồn nhân lực, trong đó bao gồm giáo dục và đào tạo nghề là một trong những tiêu chí quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu hướng chung của toàn khu vực, được cụ thể hóa bằng Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan vừa qua.

Thí sinh nghề tự động hóa tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12
Thí sinh nghề tự động hóa tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12

Kỹ năng nghề ASEAN - kiến tạo tương lai

Đây là thông điệp của Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 diễn ra từ ngày 26/8/2018 đến ngày 5/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm IMPACT, Muang Thong Thani, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan. Kỳ thi lần này được tổ chức ở 26 nghề trong đó có 24 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn với sự tham gia của 331 thí sinh và hơn 1.000 đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam dự thi đủ 26 nghề với 52 thí sinh.

Tại kỳ thi này, đoàn Việt Nam tham gia đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm vào tất cả các hoạt động của kỳ thi, được nước chủ nhà Thái Lan và các nước trong khối ASEAN đánh giá rất cao về sự nghiêm túc, thái độ thân thiện và đóng góp hiệu quả trong kỳ thi năm nay, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong khối ASEAN.

Về kết quả, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đạt thành tích ở 22 trong 24 nghề thi chính thức. Theo tổng số điểm, đoàn Việt Nam đạt 32.576 điểm, xếp thứ hai sau chủ nhà Thái Lan (33.267 điểm). Theo huy chương, đoàn Việt Nam giành vị trí thứ 3 toàn đoàn về tổng sắp huy chương với 7 thí sinh đoạt HCV, 7 thí sinh đoạt HCB và 6 thí sinh đoạt HCĐ và 16 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

Các nghề đạt huy chương cụ thể: HCV nghề Bảo trì máy gia công kỹ thuật số CNC, Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Lắp cáp mạng thông tin, Xây gạch, Ốp lát tường và sàn. HCB các nghề: Cơ điện tử, Robot di động, Điện tử, Lắp cáp mạng thông tin, Ốp lát tường và sàn. HCĐ các nghề: Tự động hoá công nghiệp; Thiết kế và phát triển trang web; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Công nghệ thời trang và nghề Điện lạnh…

Thí sinh Việt Nam đua tài tại Kỳ thi tay nghề ASEAN tại Indonesia

Thí sinh Việt Nam đua tài tại Kỳ thi tay nghề ASEAN tại Indonesia

Tiếp cận trình độ, kỹ năng nghề thế giới

Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 có số nghề lớn nhất được tổ chức từ trước đến nay và lần đầu tiên tổ chức thi 2 nghề mới, trong đó có một nghề xuất hiện trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là nghề Kết nối vạn vật Internet (IoT).

Điểm mới của kỳ thi là lần đầu tiên, Ban tổ chức của nước chủ nhà đã áp dụng biện pháp chấm điểm bằng phương pháp đo lường và phán quyết (Masurement và Jugement) của Kỳ thi tay nghề thế giới thay cho cách cũ là chấm điểm khách quan và chủ quan; mặt khác, mời nhóm chuyên gia quốc tế từ Kỳ thi tay nghề thế giới về quan sát, đánh giá đề xuất cải tiến nâng cao chất lượng, uy tín kỳ thi, đồng thời tham gia chấm điểm độc lập thí điểm ở một số nghề.

“Kết quả của đoàn Việt Nam là một thành công và đã đạt được mục tiêu đề ra, vì các kỳ thi tay nghề ngày càng được các nước trong khu vực quan tâm, chú trọng đầu tư mạnh mẽ cả về thời gian, khoa học công nghệ, chuyên gia và tài chính cho công tác huấn luyện và đào tạo thí sinh” - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh. 

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ, TB&XH) - Trưởng đoàn Việt Nam cho biết: Kỳ thi được đánh giá rất thành công trên các phương diện về chuyên môn, về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, công tác tổ chức, hậu cần, an ninh an toàn và đặc biệt là việc nước chủ nhà quyết tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi ngày càng tiếp cận với thế giới.

Tham dự kỳ thi, các thí sinh cùng chuyên gia đã có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề trong khu vực ASEAN, hướng đến Kỳ thi tay nghề thế giới. Đây cũng là một dịp để quảng bá về trình độ tay nghề, năng lực lao động của người Việt Nam, qua đó tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và nhận thức của xã hội về học nghề để có một tương lai tươi sáng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ