Hướng tới không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á

GD&TĐ - Ngày 27/7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học ASEAN (SHARE), được hỗ trợ bởi Liên minh Châu Âu và Ban thư ký ASEAN, UNESCO, SEAMEO Rihed, AUN tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu khởi động Lộ trình về Không gian Giáo dục Đại học ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện 2 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu khởi động Lộ trình về Không gian Giáo dục Đại học ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện 2 năm.

Đối thoại chính sách “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á” được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động nhân nhiệm kỳ Bộ GD&ĐT Việt Nam hiện là Chủ tịch của Hợp tác Giáo dục ASEAN. Đối thoại diễn ra trong 02 ngày từ 27-28/7/2022.

Phát biểu khai mạc đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, đại dịch đã làm gián đoạn việc học tập ở tất cả các cấp học, trong đó có giáo dục đại học. Trong giai đoạn này, sinh viên phải đối mặt với nhiều vấn đề như: hạn chế những kỹ năng công nghệ, hổng kiến thức, sức khoẻ tâm lý, hạn chế về những cơ hội để trau dồi những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động cạnh tranh.

Do đó, Đối thoại chính sách “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á” được tổ chức hướng đến ba mục tiêu gồm: Khám phá những đổi mới và sáng kiến góp phần chuyển đổi số giáo dục đại học trong khu vực; Xem xét các cấu trúc và nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính bền vững của không gian giáo dục đại học khu vực; Xem xét các cơ hội trong tương lai cho Không gian Giáo dục Đại học ASEAN.

Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều quan trọng là phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

“Đến với buổi đối thoại ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi từ phía quý vị đại biểu nhằm hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực giáo dục đại học trong phạm vi quốc gia và khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi đối thoại.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, Lộ trình về Không gian Giáo dục Đại học ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện 2 năm đã chính thức được khởi động. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ tin tưởng lộ trình sẽ tạo điều kiện hài hoà hơn và quốc tế hoá giáo dục đại học ASEAN, đặc biệt tăng cường kết nối giữa con người với con người và hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN.

Lộ trình gồm 6 lĩnh vực chính: Tăng cường nhận thức và hỗ trợ việc phát triển Không gian giáo dục đại học ASEAN; Tăng cường nhận thức và triển khai việc đảm bảo chất lượng trong khu vực; Hỗ trợ và tăng cường việc triển khai tham chiếu khung trình độ các nước với khung trình độ ASEAN; Tăng cường hợp tác khu vực đối với giáo dục đại học, tăng cường dịch chuyển sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên, thực tập sinh; Thúc đẩy và thực hiện sự công nhận lẫn nhau về bằng cấp (nếu có thể); Thiết kế và đảm bảo bền vững cho việc phát triển Không gian giáo dục đại học ASEAN.

Ông Darren McDermott, Trưởng nhóm của Chương trình SHARE, chia sẻ: “Đối thoại chính sách cho phép các đối tác giáo dục đại học trong khu vực tiếp tục khám phá những đổi mới, đóng góp sáng kiến vào việc chuyển đổi giáo dục đại học ở Đông Nam Á. Trong 2 ngày, các bên liên quan trong khu vực sẽ tái khẳng định cam kết và quan hệ đối tác thực hiện Lộ trình về Không gian Giáo dục Đại học ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo sự tiến bộ liên tục của Đông Nam Á”.

Chương trình SHARE (Support to Higher Education in the ASEAN region) được Liên minh Châu Âu (EU) khởi động từ tháng 3/2014 nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hoạt động của ASEAN về giáo dục. Chương trình được thực hiện bởi nhóm các tổ chức bao gồm Hội đồng Anh (BC), Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Hiệp hội đảm bảo chất lượng Châu Âu (ENQA) và Văn phòng Hỗ trợ Giáo dục Hà Lan tại Việt Nam (Nuffic).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ