Theo đó, đến cuối tháng 6/2022 có 668 chương trình đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 547 chương trình được đánh giá ngoài nước và 466 chương trình được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước.
Tham gia sâu vào hệ thống kiểm định quốc tế
Được đẩy mạnh từ những năm 2015, 2016, công tác kiểm định và tham gia sâu vào hệ thống kiểm định quốc tế của các trường đại học Việt Nam đã mang lại những thay đổi đậm nét trong chương trình đào tạo (chuẩn quốc tế) cũng như chất lượng nguồn nhân lực (đáp ứng yêu cầu hội nhập).
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, nhất là kiểm định các chương trình, ngành đào tạo theo chuẩn quốc tế không chỉ mang đến cho nhà trường thương hiệu, định vị tốt trên bảng xếp hạng trong khu vực. Quan trọng hơn, qua hoạt động kiểm định quốc tế, các chương trình đào tạo, bằng cấp, chất lượng nhân lực sẽ được nâng lên và được công nhận trong khu vực lẫn quốc tế.
“Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đang thực hiện đánh giá và kiểm định 4 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA gồm: Công nghệ kỹ thuật hóa học, Chế biến lâm sản, Kỹ thuật môi trường, Nuôi trồng thủy sản. Trước đó, nhà trường đã có 6 chương trình đạt chuẩn kiểm định của AUN-QA. Để chuẩn bị cho công tác kiểm định đánh giá các chương trình, nhà trường đã phải chuẩn bị rất kỹ về đội ngũ, cơ sở vật chất, khung chương trình đào tạo…
Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong theo khung đảm bảo chất lượng của AUN-QA, thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài các chương trình đào tạo tiếp theo, nhằm hướng đến mục tiêu đạt chứng nhận chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của khu vực”, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết.
Là trường có 3 chương trình đào tạo đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học uy tín thế giới (AQAS - trụ sở tại Đức), Trường ĐH Bách khoa TPHCM là đơn vị tham gia sâu vào hoạt động kiểm định quốc tế nhất trong khối trường thuộc ĐHQG TPHCM.
Theo TS Võ Đại Nhật - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, năm 2022, trường sẽ kiểm định thêm 21 chương trình đào tạo theo chuẩn chất lượng của các tổ chức uy tín trong khu vực và thế giới: AUN-QA, FIBAA, AQAS, ASIIN, CTI... Mục tiêu là chuẩn hóa toàn bộ chương trình đào tạo.
Công tác kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế không chỉ được đẩy mạnh ở các trường đại học công lập mà còn ở khối các trường ngoài công lập. Đơn cử như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện có 8 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, 4 chương trình được gắn sao của hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM.
Trường ĐH Hoa Sen sau khoảng 5 năm tham gia vào sân chơi kiểm định quốc tế cũng đã có 5 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA và 5 ngành trực thuộc khoa Kinh tế và Quản trị đạt chuẩn kiểm định ACBSP. Ngoài ra, nhà trường được Tổ chức xếp hạng QS Stars (Anh Quốc) công nhận đạt chuẩn 4 sao vào năm 2021.
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cũng có 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology - Hội đồng Kiểm định các Chương trình Đào tạo Kỹ thuật - Công nghệ, Mỹ) và hàng loạt chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA.
Quang cảnh một buổi đánh giá kiểm tra chất lượng của tổ chức AUN-QA với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. |
Bảo đảm chất lượng
Nhìn nhận việc tham gia sâu vào tiến trình kiểm định chất lượng và thực hiện các quy chuẩn đào tạo nghiên cứu theo chuẩn khu vực và quốc tế sẽ nâng tầm học thuật không chỉ cho nhà trường mà cả hệ thống GDĐH Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai cho biết: “Tham gia kiểm định quốc tế (tổ chức AUN-QA) khẳng định sự cam kết của nhà trường đối với người học, xã hội và nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo. Đó là nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt.
Sinh viên của trường cũng dễ dàng thực hiện trao đổi (student exchange) hoặc chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học trong khu vực. Sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm trong thị trường khu vực và quốc tế. Ngoài ra, việc tham gia kiểm định quốc tế (AUN-QA) sẽ giúp người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hóa”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh nhấn mạnh.
GS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhìn nhận, việc tham gia sâu vào công tác kiểm định với hệ thống kiểm định quốc tế sẽ nâng cao tầm vóc và không gian học thuật cho các trường đại học. GS Phong cho biết, năm 2022, UEH lọt Top 298 trong bảng xếp hạng quốc tế các cơ sở nghiên cứu (SCImago) khu vực châu Á, Tốp 551+ trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á (Theo BXH QS châu Á), 11 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế đang có. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, số lượng nghiên cứu khoa học của UEH tăng mạnh và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khi có 771 bài báo khoa học, tăng trưởng 112,4% so với giai đoạn 2015 - 2019 (363 bài báo), theo cơ sở dữ liệu Scopus.
“UEH đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong Tốp 500 các trường đại học tốt nhất châu Á. Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục tham gia sâu vào công tác kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo, UEH sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học một cách mạnh mẽ”, GS Nguyễn Đông Phong chia sẻ.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM, kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các chương trình đào tạo của các trường đại học thành viên AUN-QA, CTI; tạo lợi thế cho hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế, nâng tầm hệ thống GDĐH Việt Nam.
“Doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong khu vực và thế giới có đầy đủ cơ sở tin cậy để tìm kiếm, tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ chương trình đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TPHCM có tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hóa. Sự khẳng định của công tác kiểm định quốc tế xét cho cùng chính là sự thừa nhận chất lượng của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong tầm khu vực và quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng chia sẻ.
Cả nước có 304 chương trình đào tạo đại học đạt chuẩn kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế như: HCERES, AUN-QA, FIBAA, AQAS, ABET, ASIIN, CTI… Những đơn vị dẫn đầu trong hoạt động tham gia kiểm định quốc tế là: ĐHQG Hà Nội (có 32 ngành, chương trình), ĐHQG TPHCM (63 ngành, chương trình), ĐH Bách khoa Hà Nội (15 ngành, chương trình), ĐH Kinh tế TPHCM (11 chương trình), ĐH Bách khoa TPHCM (36 chương trình).