Hợp tác quốc tế đổi mới giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 25-26/7, ĐHQG TP.HCM và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức Hội thảo Mùa hè 2022 nhằm xây dựng một cộng đồng chuyên gia giáo dục đại học lớn mạnh. Hội thảo thuộc Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ĐHQG TP.HCM tại hội thảo
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ĐHQG TP.HCM tại hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cùng 200 đại biểu là các chuyên gia của Dự án PHER, USAID, ĐH Indiana, ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo từ các Bộ, ngành của Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Tại hội thảo, các chuyên gia cao cấp từ Đại học Indiana gặp gỡ các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên gia để cùng thảo luận, phát triển các chiến lược thực hiện dự án nhằm hỗ trợ 3 đại học trở thành các cơ sở giáo dục đại học hiện đại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau bàn luận về vai trò của hệ thống giáo dục đại học công và hệ thống giáo dục đại học tư, cũng như góc nhìn của các chuyên gia về xu hướng tự chủ trong hệ thống GDĐH.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng hệ thống đại học công có vai trò nòng cốt, tối quan trọng trong hệ thống GDĐH của một quốc gia. Bởi ngoài tính dẫn dắt thì hệ thống đại học công còn giữ nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập, việc tự chủ đại học nhất là đại học công là việc tất yếu mà các trường phải thích ứng và thực hiện trong xu thế chuyển đổi giáo dục. Theo GS Vũ Hải Quân, thách thức cho tiến trình chuyển đổi giáo dục và tự chủ với các trường đại học công là rất lớn nhưng không vì thế mà không thích ứng và thay đổi. Hệ thống các trường công sẽ giữ vai trò tiên phong.

Các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm và góc nhìn về vai trò của đại học công tại hội thảo

Các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm và góc nhìn về vai trò của đại học công tại hội thảo

Phát biểu và nêu ý kiến tại hội thảo, GS Lauren Robel- Hiệu trưởng danh dự ĐH Indiana cũng đồng tình quan điểm trên. GS cho biết các trường đại học công lập đóng vai trò tối quan trọng trong phúc lợi chung của một quốc gia. Bởi sứ mệnh của các trường đại học công lập là tạo ra và nuôi dưỡng cơ sở tri thức hỗ trợ nguyện vọng của một quốc gia và ước mơ của công dân quốc gia đó.

"Nếu đằng sau nền tảng của xã hội là đại học công lập thì đằng sau một đại học thành công là các giá trị cụ thể. Những giá trị đó bao gồm sự ưu tú và chính trực trong nghiên cứu và giảng dạy, tính toàn diện và đa dạng trong các cơ hội học thuật, sự tin tưởng và trách nhiệm giải trình trong quản trị điều hành. Một hệ thống trường đại học vững mạnh phải là một hệ thống được kết nối rộng khắp trên phạm vi quốc tế.

Các giá trị này được tạo dựng dựa trên các hoạt động thực tiễn ở các trường đại học. Đó là thực tiễn trong việc tìm kiếm giảng viên ưu tú và có uy tín trên cơ sở năng lực đã được chứng minh, sự tự phê bình toàn diện và liên tục với sự đổi mới chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu. Đặc biệt, để đạt được mọi khía cạnh trong sứ mệnh của mình là giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động cộng đồng, các hệ thống đại học, nhất là đại học công cần được coi như một hệ sinh thái "- GS Lauren Robel nhấn mạnh.

Nói về hướng đi của hệ thống GDĐH Việt Nam trong thế kỷ 21, GS Ngô Phương Lan- ĐHQG TP.HCM cho rằng thế kỷ 21 gắn với quá trình toàn cầu hóa, đối tượng thời đại ngày nay đòi hỏi nhiều hơn ở hệ thống GDĐH so với thế hệ trước kia. Đó là cơ sở vật chất học tập, không gian và môi trường học thuật, độ ngũ giảng viên chất lượng, phòng nghiên cứu hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến...

Do đó để thay đổi toàn diện thì các trường phải hướng đến sự tự chủ toàn diện. Thách thức lớn nhất của hệ thống GDĐH trong thế kỷ 21 theo GS Ngô Phương Lan chính là tính dẫn dắt của các đại học công.

Quang cảnh hội thảo với nhiều đại biểu là chuyên gia hàng đầu về giáo dục đại học tại Việt Nam

Quang cảnh hội thảo với nhiều đại biểu là chuyên gia hàng đầu về giáo dục đại học tại Việt Nam

Được biết, Dự án PHER kéo dài trong 5 năm với kinh phí 14,2 triệu đôla do USAID tài trợ, thông qua Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) thực hiện, nhằm mục tiêu xây dựng các mô hình và phương pháp tiếp cận sáng tạo, phát triển các mối quan hệ đối tác để hỗ trợ ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Đà Nẵng.

Dự án sẽ tập trung vào bốn trụ cột: (1) Đổi mới quản trị, (2) Nâng cao chất lượng dạy và học, (3) Nâng cao năng lực nghiên cứu, (4) Tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp.

Trong trụ cột đổi mới quản trị, PHER đem tới cơ hội tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo của các đại học Việt Nam.

Trụ cột nâng cao chất lượng dạy và học tập trung phát triển năng lực đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tiếp cận với nguồn tài nguyên dạy và học chất lượng cao. Đồng thời chương trình sẽ xây dựng các cộng đồng giảng viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để khuyến khích hợp tác liên trường về học thuật.

Trong trụ cột nâng cao năng lực nghiên cứu, PHER giúp cải thiện năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các hoạt động trao đổi học giả và giảng viên, hội thảo và các khóa học ngắn hạn.

Đặc biệt, thông qua trụ cột tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp, PHER hỗ trợ các đại học xây dựng và duy trì quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Dự án PHER nỗ lực để các đại học Việt Nam đạt được những thay đổi mang tính bền vững, để có thể chuyển giao hoặc nhân rộng thành mô hình và khung tham khảo cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.