Hướng tới giáo viên không “chạy đua” theo văn bằng, chứng chỉ

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và trung học, thay thế hai bộ chuẩn hiện hành. Trong Ban soạn thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – đã chia sẻ những điểm mới đáng lưu ý trong xây dựng bộ chuẩn, trong đó có việc khắc phục giáo viên chạy đua theo văn bằng, chứng chỉ.

Hướng tới giáo viên không “chạy đua” theo văn bằng, chứng chỉ

Sự cần thiết xây dựng chuẩn mới

Hiện nay, chúng ta đã có Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học (Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT) và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS, THPT (Quyết định số 30/2009/TT-BGDĐT). Vậy tại sao cần phải xây dựng chuẩn mới, thưa GS?

Có thể thấy, từ nội dung đến cách thức đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay chưa tạo ra sự phân hóa trong đội ngũ giáo viên và mức chuẩn còn thấp nên, đại đa số giáo viên đều đạt và vượt chuẩn. Bởi vậy, ý nghĩa trong việc tạo động lực để giáo viên phấn đấu không cao. Bên cạnh đó, quy trình đánh giá chưa đủ chặt chẽ, minh chứng chưa được xác định khách quan và rõ ràng. Do đó cần phải xây dựng minh chứng một cách tường minh để có thể đánh giá khách quan và tạo ra sự phân hóa. Việc xây dựng chuẩn mới còn xuất phát từ Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra những yêu cầu mới đối với năng lực của đội ngũ giáo viên.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học được xây dựng và phát triển trên cơ sở thực hiện các hoạt động nghề nghiệp đặc thù, sự gắn kết mật thiết giữa những hiểu biết về chuyên môn, khả năng thực hiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình phát triển phẩm chất cá nhân và giá trị nghề nghiệp. Năng lực của giáo viên tiểu học, trung học được thể hiện trong từng lĩnh vực hoạt động chức năng, theo từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của giáo viên (mới vào nghề, thành thạo nghề, có uy tín trong nghề, lãnh đạo chuyên môn - giáo viên cốt cán).

Xây dựng chuẩn nghề nghiệp dựa trên khung năng lực thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của người giáo viên trong từng bối cảnh, lĩnh vực cụ thể của thực tế dạy học và giáo dục trong nhà trường.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học được xây dựng trên cơ sở sàng lọc, kế thừa, điều chỉnh và phát triển các nội dung được thể hiện trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học (2007), Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học (2009), kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế như Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của Úc (2011), một số kết luận khuyến nghị của SEAMEO (2010) trong đánh giá việc xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của 11 nước Đông Nam Á.

GS có thể cho biết rõ hơn về những mục đích cụ thể để làm căn cứ xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và trung học hiện nay?

GS Nguyễn Quý Thanh
GS Nguyễn Quý Thanh

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học được xây dựng làm căn cứ để giáo viên tự đánh giá (theo chuẩn) và tự học, tự bồi dưỡng (để nâng mức đạt chuẩn) nhằm nâng cao chất lượng dạy học và tạo động lực phát triển nghề nghiệp chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhằm mục đích:

Xác định đúng thực trạng năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông qua việc áp dụng chuẩn và đánh giá theo chuẩn trong công việc chuyên môn; Định hướng cho các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu theo chuẩn; Căn cứ kết quả đánh giá, đối tượng được đánh giá xây dựng và thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng và tự hoàn thiện đáp ứng yêu cầu theo chuẩn; Các cơ quan quản lí Nhà nước và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sử dụng kết quả đánh giá theo chuẩn để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học được áp dụng để đánh giá giáo viên dạy các môn văn hóa trong trường tiểu học, THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường dự bị đại học và, dự bị đại học dân tộc thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; làm căn cứ để xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên cốt cán. Các giáo viên dạy các môn đặc thù cũng được đánh giá trên cơ sở bộ tiêu chuẩn này cùng với các tiêu chí và phương pháp đặc thù.

Văn bằng, chứng chỉ cũng chỉ là điều kiện cần

Đâu là điểm mới đáng chú ý trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên đang được xây dựng, thưa GS?

“Về cách đánh giá, chuẩn hiện hành cho điểm từng tiêu chí sau đó cộng lại. Cách mới không cho điểm từng tiêu chí mà xét theo nguyên tắc, nếu đủ minh chứng thì đạt mức đó, không đủ minh chứng thì xuống mức thấp hơn. Trong minh chứng có minh chứng lõi, quyết định - là toàn bộ các minh chứng về chuyên môn. Đây là điều giáo viên bắt buộc phải đạt nếu muốn ở mức chuẩn nào đó. Cuối cùng, chuẩn về trình độ đào tạo có nâng lên so với yêu cầu hiện hành”.

GS Nguyễn Quý Thanh

Về điểm mới, chuẩn hiện hành đánh giá trên nhiều tiêu chí nhưng dàn đều. Chuẩn mới nhìn theo thang phát triển năng lực từ thấp đến cao, số lượng tiêu chí giảm đi, nhưng phân mức cụ thể hơn. Mỗi tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí, mỗi tiêu chí đều đi theo 4 mức: Tối thiểu, Đạt, Khá và Tốt.

Mức “Tối thiểu” là mức cơ bản: Giáo viên nắm vững, hiểu biết, nhận diện tốt nội dung. Mức “Đạt”, giáo viên thực hiện được các nhiệm vụ ở mức cơ bản. Mức “Khá”, giáo viên phải có thêm khả năng lan tỏa, có thể tuyên truyền, vận động người khác. Mức “Tốt” là người có khả năng dẫn dắt, hướng dẫn được đồng nghiệp, là tấm gương mẫu mực về phẩm chất nghề nghiệp.

Ngoài xếp theo mức một cách rõ ràng hơn chuẩn hiện hành, chuẩn mới cũng định nghĩa rõ hơn về các mức năng lực (tiếp cận theo tổng thể), trong mỗi mức có mốc rất rõ, có ranh giới rõ ràng trong từng tiêu chí; trong khi chuẩn hiện hành dùng điểm số để cộng trung bình nên sự khác biệt giữa các mức không rõ (cách tiếp cận trung bình hóa).

Có hiện tượng một bộ phận giáo viên hiện nay “chạy đua” theo văn bằng, chứng chỉ để đáp ứng chuẩn. Theo GS, hạn chế này sẽ được khắc phục như thế nào trong bộ chuẩn mới?

Để hạn chế việc giáo viên “chạy đua” theo văn bằng, chứng chỉ, trong chuẩn mới phân biệt bằng cấp và trình độ. Mặc dù vẫn yêu cầu về chuẩn đào tạo, nhưng đồng thời phải thể hiện qua nhiệm vụ của giáo viên và phải được đánh giá qua phương pháp 360 độ; tức là ngoài việc giáo viên tự đánh giá còn có đồng nghiệp đánh giá, cấp trên đánh giá, học sinh và cha mẹ học sinh đánh giá, tổ trưởng dân phố đánh giá với các trọng số khác nhau. Thông thường, tự đánh giá chỉ là phần nhỏ, chiến khoảng 1/5 tổng trọng số, còn lại 4/5 là đánh giá của các bên liên quan.

Như vậy, bằng cấp, chứng chỉ cũng chỉ là điều kiện cần; để đạt mức “Khá”, “Tốt” còn phải phụ thuộc vào sự thể hiện của giáo viên trong công việc. Do đó, bằng cấp như nhau nhưng có thể bị đánh giá thấp hơn nếu kết quả đánh giá các bên liên quan thấp hơn.

Một điều nữa, nếu chuẩn hiện hành chỉ đánh giá định tính thì chuẩn mới chú trọng nhiều đến minh chứng và thiên về định lượng nhiều hơn; tuy nhiên không cứng nhắc bởi những minh chứng trực tiếp mà còn phải có ý kiến đánh giá của những người liên quan đến hoạt động dạy và giáo dục của giáo viên.

Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ