Dựa trên năng lực
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa chia sẻ: Với sự phát triển của xã hội, trường học không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà phải là nơi định hướng, chuẩn bị hành trang trong tương lai, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các em học sinh.
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THPT không nhất thiết tất cả các em phải đi học tại các trường đại học, bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tế và sức học của học sinh, nhà trường định hướng nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT sẽ chuyển qua học nghề tại các trường cao đẳng và trung cấp.
Xung quanh địa bàn có một số khu công nghiệp như Cái Răng, Hậu Giang, học sinh sau khi học nghề sẽ có điều kiện vào làm việc tại các khu công nghiệp này. Điều này giải quyết được thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, cũng như bài toán kinh tế, tạo công ăn việc làm cho học sinh sau khi học xong, nâng cao đời sống kinh tế tại các gia đình. Việc định hướng nghề cho các em được dựa trên cơ sở năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và gia đình.
“Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 32 lớp học với 1.185 học sinh. Đa phần các em có học lực trung bình và khá nên nhà trường luôn xác định: Bên cạnh vấn đề trang bị kiến thức môn học, việc định hướng nghề nghiệp cho các em hết sức quan trọng. Vì vậy, hàng năm nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại các khối lớp, trong đó có tư vấn tuyển sinh đối với học sinh lớp 12.
Cụ thể, tổ chức cho HS tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp với các trường: ĐH Cần Thơ, ĐH FPT Cần Thơ, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng nghề Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ... Điều này giúp các em tiếp cận, tìm hiểu nhiều ngành nghề, từ đó sẽ cảm nhận mình yêu thích và phù hợp với những ngành nghề nào”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết thêm.
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: INT |
Hướng tới sở thích của học sinh
Thầy Lâm Nhựt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, phụ trách công tác hướng nghiệp cho biết: Ngay từ đầu năm học, BGH nhà trường và các thầy cô giáo đã xây dựng định hướng nghề nghiệp cho học sinh các khối lớp. Để hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh thực sự hiệu quả, nhà trường đã nghiên cứu và tổ chức giảng dạy chương trình nghề phổ thông cho HS lớp 11 với 2 ngành nghề phù hợp với tình hình kinh tế địa phương.
Đó là nghề điện dân dụng và nuôi cá nước ngọt. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên bộ môn hướng dẫn HS tham quan học tập một số điểm nuôi cá trong địa bàn quận Cái Răng, khoa Thuỷ sản Trường ĐH Cần Thơ, cũng như tham quan các khu công nghiệp, trường nghề đóng trên địa bàn.
Với nghề điện dân dụng, các em cũng được đi tham quan Nhà máy Nhiệt điện ở Trà Vinh. Bắt tay vào thực tế, thầy cô cho các em tiếp cận và sửa chữa, lắp ráp những thiết bị điện đơn giản tại trường. Việc hướng nghiệp định hướng nghề rất thiết thực với học sinh THPT. Quá trình tìm hiểu học tập về các ngành nghề giúp các em hiểu được mong muốn riêng để từ đó định hướng phấn đấu cho bản thân.
Em Huỳnh Thị Thảo Vân học sinh lớp 11A3 cho biết: Ngoài việc học văn hóa tại trường, chúng em được tham gia nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp về nghề. Điều này giúp chúng em hiểu về từng ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt với một số nghề chúng em còn được trải nghiệm thực tế. Những kiến thức thực tế là cơ hội quý báu để em hiểu được sở thích và năng lực của mình.
Năm học 2018 – 2019, em được tham gia trải nghiệm thực tế làm hướng dẫn viên du lịch trên Chợ nổi Cái Răng. Tại đây em đã giới thiệu cho khách tham quan trong đó có rất nhiều khách nước ngoài về đặc điểm cuộc sống, tập quán sinh hoạt cũng như văn hóa, ẩm thực trên quê hương. Em thấy mình rất thích công việc này.
Em Lê Thiện Chí, học sinh lớp 12A2, quê huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại có ước mơ giản dị. “Xuất thân từ gia đình bố mẹ gắn bó với nghề nông nên em mong tiếp tục được làm việc trên chính quê hương mình. Em tâm sự, nhà em trồng rất nhiều các loại cây ăn trái như chanh, xoài, ổi... nên em muốn học tập nắm bắt khoa học kỹ thuật cao hơn. Trường THPT Trần Đại Nghĩa có mô hình trồng rau thủy canh.
Em rất thích mô hình này nên đã tham gia tích cực. So với phương pháp trồng cây truyền thống, mô hình này kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nên cho năng suất cao hơn. Ngoài giờ học, chúng em được học và trải nghiệm việc trồng rau thủy canh ngay tại nhà lưới của trường. Rau của chúng em trồng được thu hoạch thường xuyên bảo đảm an toàn và sạch sẽ. Nhờ mô hình học tập này mà học sinh có thêm những sáng tạo và ước mơ khi suy nghĩ về công việc trong tương lai của mình”.