Phát huy tự tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Thay vì mời chuyên gia hay chờ tổ chức, trường đại học về tư vấn hướng nghiệp thì trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định) chủ động kết hợp hình thức tư vấn trong đó chú trọng thực hiện tự tư vấn, tư vấn thường xuyên...

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Đổi mới tư vấn hướng nghiệp

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Trần Thị Mai  - Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định) nhấn mạnh, công tác hướng nghiệp nghề cho học sinh trung học, là một nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường, nhưng cũng là một nội dung vô cùng hấp dẫn và được hầu hết các trường học khối THCS và THPT quan tâm.

Theo cô Mai, nếu như trước đây trường THPT Mỹ Lộc thường mời các chuyên gia, trường đại học tư vấn giáo dục hướng nghiệp. Đến nay, Nhà trường kết hợp nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp.

"Mời chuyên gia về tư vấn thì học sinh hào hứng tham gia vì các diễn giả về tư vấn hướng nghiệp thường có tên tuổi và uy tín bao gồm các diễn giả và chuyên gia của các trung tâm hướng nghiệp nghề hoặc ban tư vấn tuyển sinh của các trường đại học.

Tuy nhiên, Nhà trường thường bị động, phụ thuộc vào công việc của các nhà chuyên gia. Bên cạnh đó, đặc điểm chung của các buổi tư vấn đó là các tổ chức, các trường đại học thực hiện đều giới thiệu những gì họ đang có, họ đang cần, mà điều đó đôi khi không phù hợp với đối tượng học sinh của nhà trường...", cô Mai phân tích.

Bởi vậy, để chủ động hơn trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và khắc phục những hạn chế nêu trên, trường THPT Mỹ Lộc kết hợp nhiều hình thức tư vấn. Trong đó, chú trọng thực hiện việc tự tư vấn, tư vấn thường xuyên, phục vụ cho những gì mình cần.

Cụ thể, trường THPT Mỹ Lộc đã tổ chức Hội trại hướng nghiệp. Đây là hoạt động ngoài giờ lên lớp trong phạm vi toàn trường với mục đích hướng nghiệp. Mỗi lớp thiết kế 1 trại, tên trại, cổng trại, không gian trại và các hoạt động trong trại đều theo chủ đề của nhóm ngành nghề bắt thăm được. 

Ban tổ chức đưa ra các nhóm ngành nghề để học sinh tự tìm hiểu thông tin (các ngành nghề dự báo có nhu cầu nguồn nhân lực cao). Đơn  cử như: Nhóm ngành an ninh – quân đội, nhóm ngành Giáo dục, Nhóm ngành Kinh tế - tài chính, nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ thông tin, nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, nhóm ngành báo chí – marketing - truyền thông..

Qua đó, để khuyến khích tinh thần tìm hiểu của học sinh, Ban tổ chức đưa ra quy định về chấm trại theo 3 nội dung. Thuyết trình những thông tin cơ bản (Nhu cầu thị trường lao động, Đặc trưng cơ bản, Yêu cầu phẩm chất, năng lực..) liên quan đến 1 nhóm ngành nghề hiện nay. 

Trang trí cổng trại, cách thiết kế và trang trí trại (đảm bảo tính hướng nghiệp, giáo dục và thẩm mĩ). Một phương án trải nghiệm nghề trong vòng 2 phút để giới thiệu với ban giám khảo. "Đây là hình thức tổ chức biến quá trình tư vấn cho học sinh thành quá trình tự tư vấn của học sinh...", cô Mai chia sẻ.

Với tư vấn hướng nghiệp thông qua tổ chức tham quan trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh hiểu được giá trị của lao động, ý nghĩa của các làng nghề truyền thống.

Cụ thể, trường THPT Mỹ Lộc cho phép giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh của lớp tổ chức cho học sinh đi tham quan các làng nghề như: tranh Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh, làng nghề Bát Tràng thành phố Hà Nội, làng Lụa Hà Đông, nghề sắt Vân Chàng tỉnh Nam Định, làng hoa xã Mỹ Tân, xã Nam Vân của tỉnh Nam Định.

Mô hình Tam giác hướng nghiệp

Trường THPT Mỹ Lộc cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp thông qua tổ chức tham quan, học tập, trải nghiệm tại các trường đại học. Với hoạt động này thường dành cho HS lớp 12. Giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch giao lưu học tập tại các trường đại học phù hợp với nguyện vọng của học sinh như, có sự tham gia phối hợp của cha mẹ HS, được sự nhất trí của Ban giám hiệu và sự giúp đỡ của các trường ĐH Trường Đại học.

Mục đích để HS nắm được quy mô, ngành nghề đào tạo của các trường ĐH đồng thời cho HS trải nghiệm một ngày làm sinh viên để tạo động lực cố gắng cho HS. Nhà trường đã tổ chức cho HS đến các trường như FPT, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân…

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Mỹ Lộc.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Mỹ Lộc.

"Các cách làm này mang lại không khí vui tươi, hồ hởi của học sinh, học mà chơi, chơi mà học. Tuy nhiên rất khó quản lý đối với những học sinh ý thức chưa tốt. Mang lại nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian di chuyển..", cô Mai thông tin.

Những năm qua trường THPT Mỹ Lộc cũng tổ chức Tam giác hướng nghiệp. Dự án “Tam giác Hướng nghiệp Hiệu quả” kết nối Trường phổ thông- Trường Đại học/dạy nghề-Doanh nghiệp do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới đề xướng và triển khai cùng các đối tác. 

Với mục tiêu phát triển giáo dục, hiện thực hóa cam kết kết nối những nhà quản lý giáo dục cùng phát triển và đóng góp cho đổi mới giáo dục về tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nâng cao năng lực cho học sinh phổ thông, trường Đại học Phenikaa là một trong những trường đại học đi đầu trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các trường THPT trên cả nước. Dự án “Tam giác Hướng nghiệp Hiệu quả” đang được triển khai ở giai đoạn 2. 

Tại Nam Định, trường THPT Mỹ Lộc là một trong những trường phổ thông tích cực tham gia với dự án “Hệ thống rửa tay thông minh trong trường học”. Đại học Phenikaa đã hỗ trợ công nghệ và kinh phí tổ chức; nhà trường cử GV và HS tham gia nghiên cứu, triển khai dự án.

"Học sinh của chúng ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít cam go. Làm thế nào để các em tự tin vững bước vào tương lai, chủ động đón nhận ngành nghề, đón nhận sự thay đổi ngành nghề thì việc của chúng ta là lựa chọn phương thức tư vấn phù hợp với trình độ, năng lực bản thân và thích ứng được với xu hướng của tương lai trong sự thay đổi công việc...", cô Mai nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.