Việc chọn ngành nghề hầu hết phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh hay độ “hot”. Vì vậy, công tác hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh.
Trái ngành, trái nghề
Làm trái ngành là thực trạng không quá mới lạ với thị trường lao động tại Việt Nam. Thế nhưng, khi thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh như hiện nay, ứng viên không chỉ cần kỹ năng, mà còn cần phải có chuyên môn, năng lực thực sự thì với việc lựa chọn làm trái ngành, người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Anh Nghiêm Đức Hà đang là nhân viên tư vấn bảo hiểm, từng theo học điện tử viễn thông ở bậc đại học khi đánh giá đây là ngành học có nhiều cơ hội việc làm. Thế nhưng, với anh Hà, thực tế lại khác xa so với thời điểm ngồi trên ghế nhà trường, bởi, gặp khó khi đi xin việc. Công việc đầu tiên anh Hà đi làm là nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Anh Hà chia sẻ: “Khi mình tham khảo các nguyện vọng thì thấy ngành này trong tương lai cần nhân lực. Vì nó “hot” nên trong tương lai có thể bị bão hòa, sẽ có nhiều người theo nên tính cạnh tranh cao hơn. Vì thế, mình quyết định sang một ngành nghề trái ngược hẳn để xem có hợp không vì mình cũng chưa biết là thích cái gì”.
Trở thành giáo viên theo định hướng của gia đình là dự định ban đầu. Song, đang trong quá trình học, chị Bùi Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) lại yêu thích công việc về làm đẹp. Giờ đây, chị đang làm quản lý cho một chuỗi làm đẹp có tiếng tại TPHCM.
Chị Lan Anh chia sẻ: “Trước gia đình mình định hướng đi học ngành sư phạm vì các cụ thời xưa hay có suy nghĩ là công chức, viên chức thì cuộc sống sẽ ổn định, thuận tiện chăm lo cho chồng, con. Nhưng khi theo học, mình lại có cơ hội tiếp xúc với công việc làm đẹp nhiều hơn nên đã chọn ngành này”.
Còn bạn Hoàng Phúc chia sẻ: “Công việc của em hiện tại là reviewer trên YouTube và TikTok. Ngành nghề em học ở trường không liên quan gì đến công việc hiện tại. Khó khăn khi bắt đầu hoặc lúc không am hiểu những lĩnh vực mình tham gia review. Nếu được học lại thì em muốn học ngành marketing”.
Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, phần lớn người lao động làm trái ngành được khảo sát cho rằng, họ phải nỗ lực gấp đôi thậm chí gấp 3 người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu.
Các nhà tuyển dụng nhìn nhận, nhóm lao động làm trái ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thăng tiến trong công việc, bởi, nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm khi lựa chọn các vị trí cấp cao.
Ảnh minh họa ITN. |
Trải nghiệm hướng nghiệp từ thực tế
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, nhiều học sinh lúc đầu đăng ký học không theo đúng sở trường của bản thân. Khi tham gia vào thị trường lao động, không thấy phù hợp nên xảy ra trường hợp tìm kiếm công việc khác.
Sự khó khăn khi tìm kiếm việc làm cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng “học ngành này - làm nghề khác”. Ngoài ra, sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng như giáo dục, du lịch cũng có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để có thể lựa chọn đúng nghề, hoạt động hướng nghiệp cần phải gắn với giai đoạn thích ứng nghề; kết nối chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và đơn vị sử dụng lao động.
Theo chuyên gia, từng đối tượng học sinh sẽ có mô hình trải nghiệm phù hợp. Trong đó, mô hình “Trải nghiệm học đường” cho học sinh THCS và “Trải nghiệm giảng đường” cho học sinh THPT được tập trung vào 4 hoạt động trải nghiệm chính.
Trải nghiệm về điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt tại trường thông qua việc dùng bữa trưa tại căng tin, nghỉ trưa tại ký túc xá… (dành cho những trường học bán trú, nội trú); Trải nghiệm cảm xúc thực tế của học sinh khi học tập nhà trường thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ từ chính các học sinh đang theo học tại nhà trường.
Đối với mô hình “Trải nghiệm nghề nghiệp, việc làm” áp dụng cho học sinh khối học nghề và sinh viên sẽ tập trung vào các hoạt động: Trải nghiệm về cơ sở vật chất của các đơn vị tuyển dụng thông qua việc tham quan trụ sở, các đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Trải nghiệm về nét văn hóa của đơn vị thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ, giới thiệu từ chính đơn vị; Trải nghiệm về các yêu cầu cơ bản của vị trí công việc thông qua bản mô tả công việc và sự giới thiệu của cán bộ làm công tác nhân sự tại đơn vị; Trải nghiệm làm việc thực tế thông qua việc đăng ký thực tập, làm bán thời gian, làm cộng tác viên tại đơn vị.
“Những trải nghiệm thực tế này sẽ góp phần tích cực trong việc giúp học sinh định hướng chọn trường, chọn nghề sau này. Đồng thời tạo động lực cho các em trong việc học tập, rèn luyện”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.