Hướng nghiệp cho học sinh chưa có nhiều đổi mới
Theo đánh giá của Trung ương Đoàn, việc nắm bắt, tuyên truyền và tham mưu triển khai thực hiện các chính sách, chương trình về hướng nghiệp, đào tạo nghề tại nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên.
Vẫn còn những đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Chất lượng hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và dịch vụ việc làm giữa các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên không đồng đều.
Vẫn còn một số trung tâm hoạt động thiếu hiệu quả. Tính chủ động trong công tác tham mưu triển khai công tác, chiến lược phát triển, đầu tư cho các hoạt động của một số trung tâm còn thấp.
Hoạt động hướng nghiệp đối với thanh thiếu niên nói chung và học sinh trong các trường phổ thông nói riêng chưa có nhiều đổi mới.
Vẫn còn thiếu các mô hình cụ thể mang tính sáng tạo. Các hoạt động chủ yếu tập trung gắn với tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế khu vực và quốc tế, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta đòi hỏi lực lượng lao động có kiến thức, tay nghề và kỹ năng ngày càng cao.
Trước bối cảnh cạnh tranh về lao động và việc làm ngày càng diễn ra mạnh mẽ thì công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên cần phải được quan tâm triển khai hiệu quả hơn nữa. Từ đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Từ bối cảnh đó, Trung ương Đoàn đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp về vấn đề này.
Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về hướng nghiệp, nghề nghiệp, việc làm. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông để toàn xã hội, các cấp, các ngành, mọi gia đình và thanh thiếu niên nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Mục tiêu đào tạo nhân lực phải là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong hệ thống mục tiêu của giáo dục - đào tạo.
Cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp, có chế độ chính sách hợp lý, có thái độ đối xử thích hợp sao cho những người trẻ thực sự thấy được lao động ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thiết, cũng được kính trọng và được đãi ngộ xứng đáng.
Mọi gia đình, mọi cá nhân thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc đánh giá đúng hoàn cảnh kinh tế, khả năng học tập của bản thân mà lựa chọn con đường học tập cho phù hợp. Cần làm cho toàn xã hội thấy rằng việc hướng nghiệp học sinh đi vào các hướng khác nhau là bình thường và hợp lý.
Cần nhiều chính sách khuyến khích người học
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cần tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả việc điều tiết phân luồng, hướng nghiệp học sinh bằng các chính sách.
Bổ sung thêm chính sách khuyến khích người học đi học giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí, chính sách tín dụng vay vốn sản xuất đối với học sinh có chứng chỉ đào tạo nghề xuất sắc.
Đồng thời có các chính sách đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi học lên trình độ cao hơn. Đặc biệt những học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề được ưu tiên hơn khi xét nhận vào các khoa tương ứng của các trường cao đẳng, đại học.
Hơn nữa, cần có chính sách sử dụng nhân lực sau đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cần tham mưu ban hành cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để tạo “đầu ra” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của chính họ.
Các Bộ ngành chức năng khi ban hành chính sách phải có sự gắn kết thống nhất giữa chính sách đào tạo, chính sách đối với thanh niên và chính sách việc làm để tạo cơ hội lớn nhất cho thanh niên trong học tập, rèn luyện và việc làm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ làm công tác hướng nghiệp, trong đó, có bộ phận là cán bộ Đoàn chuyên trách tại các địa phương và cán bộ Đoàn, giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Đảm bảo hằng năm, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp đều được tham gia ít nhất 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về công tác hướng nghiệp.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách riêng về hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm trọng điểm thuộc hệ thống Đoàn Thanh niên. Qua đó, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp nói chung và trong tư vấn hướng, nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng.