Trước những “lùm xùm” về việc xây kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn xã Gia Phố, hiện hầu hết các hộ dân đều đồng tình và mong muốn sớm có hành lang an toàn bảo vệ.
Lũ nuốt hàng chục mét đất, uy hiếp tính mạng người dân
Xã Gia Phố thuộc huyện Hương Khê nằm dọc hai bên dòng sông Ngàn Sâu. Chỉ cần một trận mưa lớn, nhà cửa nơi đây đã ngập nước. Sau các trận lũ kép lịch sử năm 2007, 2010 và năm 2016, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố bị sạt lở nghiêm trọng. Nó làm ảnh hưởng đời sống, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Thậm chí có những đoạn dòng sông đã lấn sâu vào đất hơn 40m. Cầu treo xã Gia Phố bị xói lở cuốn trôi. Nay đã xây cầu tràn Đông Hải nhưng móng trụ 2 bên bờ sông cũng đã bị xói, lở nghiêm trọng gây mất an toàn khi đến mùa mưa, lũ.
Trước thực trạng trên, người dân Gia Phố đã nhiều lần đề nghị HĐND tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ vốn để xây dựng kè chống sạt, lở bờ sông đoạn qua xã này. Theo đó năm 2014, Linh mục quản giáo xứ Thịnh Lạc cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện báo cáo Trung ương và UBND tỉnh giúp đỡ cho đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu qua xã Gia Phố, đoạn từ cầu Đông Hải đến nhà thờ giáo xứ Thịnh Lạc để bảo vệ đất đai, tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng.
Ngày 28/11/2014, UBND huyện Hương Khê đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan cho lập dự án đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư. Nhưng do khó khăn nên đến năm 2019 mới được bố trí vốn để triển khai xây dựng.
Đặt sự an toàn của người dân lên trên hết
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn được nhà thầu thi công, thực hiện công tác GPMB để thi công thì UBND huyện Hương Khê nhận được đơn của một số hộ dân có ý kiến phản đối. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện Hương Khê rà soát làm rõ lý do dự án bị kéo dài, chậm tiến độ.
Báo GD&TĐ đã nhiều lần có mặt tại các thôn Thượng Hải, Trung Hải thuộc xã Gia Phố để lắng nghe ý kiến từ người dân. Nhiều đoạn bờ sông Ngàn Sâu qua thôn Thượng Hải sạt lở. Tại mố chân cầu tràn Gia Phố đã xảy ra tình trạng xói mòn mố cầu, đe dọa nghiêm trọng đến độ an toàn, nhất là khi có mưa lũ.
Ông Lê Hồng Tư (thôn Thượng Hải, xã Gia Phố) cho rằng: “Hàng năm lũ về đã làm sạt lở bờ sông. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân hai bề bờ, dọc bờ sông Ngàn Sâu. Tại điểm bờ sông thuộc thôn Thượng Hải có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Nếu xảy ra lũ ống, lũ quét thì phải có công trình kiên cố mới chống đỡ được. Nếu không có công trình kiên cố chống sạt lở thì khó bảo vệ được diện tích đất sản xuất cũng như nhà ở, tài sản của dân”.
Trước đó, một số người dân cho rằng, bao đời nay khu vực này sống chung với tình trạng sạt lở nhưng vẫn an toàn. Vì thế, việc xây kè là không hợp lý. Nó còn làm mất cây và đất sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, đại đa số lại cho rằng, sự cấp thiết cần phải có kè chống sạt lở bờ sông để không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân mà còn tạo cảnh quan môi trường, phục vụ dân sinh. Các hộ dân này cũng có đơn đề nghị tập thể mong muốn việc xây dựng kè được triển khai sớm.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, một trong những hộ dân trước đây phản đối xây kè) cho biết: “Trước đây gia đình tôi phản đối vì chính quyền cắm mốc xây dựng kè quá sát nhà dân. Nhưng để bảo đảm an toàn thì chúng tôi nhất trí với chủ trương”.
“Chúng tôi mong muốn có kè càng sớm càng tốt để người dân được hưởng lợi trước mùa mưa lũ” - bà Hán Thị Thủy (thôn Đông Thịnh, xã Gia Phố) có ý kiến.
Bên cạnh việc đồng tình xây dựng kè, một số người dân địa phương cũng đã bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ trong triển khai của cơ quan chức năng. Nếu đang thi công kè sông mà gặp mưa lũ chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến độ an toàn của kè, tài sản, tính mạng dân. Trả lời thắc mắc trên, một cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho biết: “Việc xây dựng sẽ được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”. Nghĩa là đơn vị thi công sẽ làm từng đoạn một. Nó giúp bảo đảm an toàn, tiến độ cho công trình cũng như người dân khi mưa, lũ về”.