Hướng học sinh đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) không chỉ là lồng ghép vào môn học, nhiều trường học ở Thanh Hóa còn áp dụng các hình thức giáo dục phù hợp, hướng các em đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) cùng học trò tại sân thể thao, được gọi là sân sức khỏe của trường. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa.
Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) cùng học trò tại sân thể thao, được gọi là sân sức khỏe của trường. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa.

Nhiều hoạt động trải nghiệm

Không khí những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022 tại Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) tràn ngập niềm vui, ấm áp. Hạnh phúc “nở hoa” trong từng nụ cười của thầy và trò nhà trường cho tới khoảng sân trường rực rỡ sắc màu, bởi những dải ruy băng treo trên cây “điều ước”.

Bên cạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu (BGH) Trường THCS Cù Chính Lan luôn đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lý tưởng cho HS. Thông qua đó giúp các em thêm yêu bạn kính thầy và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước,…

Hưởng ứng cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”, BGH nhà trường đã quyết định đưa nội dung này vào giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) tổ chức cuộc thi trực tuyến: Tìm hiểu Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác. Cuộc thi có sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên và HS nhà trường.

Hoạt động trải nghiệm “Xây dựng tình bạn, tình thầy trò”; “Kiểm soát chi tiêu với lợn đất” của Trường THCS Cù Chính Lan.
Hoạt động trải nghiệm “Xây dựng tình bạn, tình thầy trò”; “Kiểm soát chi tiêu với lợn đất” của Trường THCS Cù Chính Lan.

Hình ảnh cây “điều ước” rực rỡ trên khoảng sân trường xanh mát đã trở thành biểu tượng của khát vọng. Trên mỗi dải ruy băng là điều ước dành cho quê hương, đất nước, gia đình và cho chính bản thân mỗi học trò.

Trong năm học, BGH nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như: “Xây dựng tình bạn, tình thầy trò”; “Kiểm soát chi tiêu với lợn đất”; hướng về các tỉnh miền Nam thân yêu những ngày chiến đấu với đại dịch Covid-19,…

Theo thầy Dương Minh Anh – Hiệu trưởng nhà trường, những hoạt động này góp phần giáo dục cho các em hướng tới lối sống đẹp, cư xử văn minh và làm phong phú thêm kiến thứcvề truyền thống, lịch sử quê hương.

“Các hoạt động tuy giản dị nhưng mang lại hiệu ứng vô cùng tích cực, các em luôn cảm thấy vui tươi, sôi nổi mỗi khi tới trường. Tình cảm giữa thầy và trò cũng ngày càng gắn kết. Từ đó, hướng tới xây dựng trường học thân thiện – trường học hạnh phúc”, thầy Minh Anh nói.

Dạy môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa) thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống để hướng các em tới những điều tốt đẹp.
Dạy môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa) thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống để hướng các em tới những điều tốt đẹp.

Tại Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS cũng được chú trọng, thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, như: Âm vang Hàm Rồng, Đông ấm xứ Thanh, các hội thi do trường tổ chức,…

“Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS được nhà trường tổ chức thường xuyên thông qua hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa như: Uống nước nhớ nguồn, hoạt động tri ân,…” thầy Thiều Ánh Dương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Đa dạng hình thức

Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nhiều trường học tại Thanh Hóa còn tăng cường lồng ghép vào môn học để giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Ngoài ra, một số trường còn áp dụng thêm các hình thức giáo dục phù hợp.

Là một trường thuộc vùng cao, miền biên giới của tỉnh Thanh Hóa, với HS chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, song Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đã và đang làm tốt nội dung này.

Cán bộ giáo viên Trường THPT Quan Sơn thăm hỏi học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên Đán 2022.
Cán bộ giáo viên Trường THPT Quan Sơn thăm hỏi học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Theo thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: Cách xưng hô khi giao tiếp với thầy, cô giáo và bạn bè hay thận trọng trong lời ăn tiếng nói…

“Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được nhà trường tổ chức thường xuyên và thực hiện theo từng chủ đề cụ thể xuyên suốt năm học. Sau mỗi lần thực hiện, trường lại có thêm những hay đổi tích cực”, thầy Đạo nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Bắt đầu từ việc tìm hiểu hoàn cảnh của HS để từ đó có hình thức giáo dục phù hợp.

Với những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm, các thầy, cô luôn quan tâm động viên, khích lệ các em hướng tới những điều tốt đẹp.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) tham gia chiến dịch tình nguyện, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại bản Sỏi, (thị trấn Sơn Lư, Quan Sơn).
Học sinh Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) tham gia chiến dịch tình nguyện, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại bản Sỏi, (thị trấn Sơn Lư, Quan Sơn).
Em Dương Phạm Hạ Vy (lớp 8B, Trường THCS Cù Chính Lan) cũng bộc bạch: “Hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS rất cần thiết trong cuộc sống. Thông qua đó, chúng em rút ra những bài học ý nghĩa về cuộc sống, cách hành xử, khắc phục những thiếu sót của bản thân”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Cù Chính Lan) cho rằng, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS tuy không mới, nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là hoạt động góp phần giúp giáo viên có thể đánh giá xếp loại hạnh kiểm HS.

Để làm tốt được điều này, mỗi thầy, cô giáo chính là tấm gương đạo đức để các em học hỏi, noi theo.

“Với bộ môn của mình, tôi luôn lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống thông qua những ví dụ điển hình ngoài thực tiễn cuộc sống, để các em dễ dàng hình dung. Từ đó rút ra bài học cho bản thân, những gì làm tốt thì phát huy và ngược lại khắc phục những gì chưa tốt”, cô Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.