Giáo dục học sinh từ những điều gần gũi
Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) có 428 học sinh. Các em đều là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn bởi kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Đói nghèo đeo bám, nhiều phụ huynh “ngại” cho con em đến trường. Do vậy, trước khi bước vào năm học, giáo viên phải đến trường sớm hơn vài tuần để vào làng vận động các em ra lớp.
Xã Mường Hoog là một trong những khu vực xa, cách trở nhất trên địa bàn huyện Đăk Glei. Đặc biệt khu vực này mùa mưa kéo dài mấy tháng. Những khi mưa lớn, bão lũ khiến tuyến đường sạt lở gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi di chuyển qua lại. Trong cơn bão số 9 năm 2020, con đường từ trường ra trung tâm huyện bị sạt lở nghiêm trọng khiến xe cộ không thể di chuyển qua lại một thời gian.
Nắm được điều kiện thời tiết và những khó khăn ở khu vực này, bên cạnh việc dạy kiến thức, giáo viên trong trường chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
Thầy A Hao, Hiệu trưởng trường cho hay, trong những buổi lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo viên thường xuyên kể những câu chuyện về Bác Hồ, những vị anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó, giáo dục, hướng dẫn học sinh cách phòng chống đuối nước, sạt lở… Để học sinh dễ hiểu và ghi nhớ giáo viên hướng dẫn mỗi lớp triển khai làm 1 bài thuyết trình, hay tiểu phẩm.
“Địa phương với khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt nơi đây nhiều sông suối và thường xuyên xảy ra bão lũ, sạt lở. Chính vì vậy, nhà trường chú trọng giáo dục các em không ra khu vực sông suối và tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống bất trắc”, thầy A Hao nói.
Cô Võ Thị Toan, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học xã Mường Hoong cho hay, vừa qua khi nghe thầy cô kể về những bạn nhỏ đang phải cách ly tại địa phương, học sinh trong trường đã viết thư tay gửi lời thăm hỏi, động viên đến những trường hợp này. Bên cạnh đó, Liên đội trường còn gửi tặng một số phần quà như: Tập vẽ, bút màu… để các em sử dụng trong thời gian cách ly.
Theo cô Toan, mặc dù những bức thư và phần quà tuy không lớn nhưng đã kịp thời động viên tinh thần các em nhỏ đang thực hiện cách ly y tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua việc làm này nhà trường cũng muốn tuyên truyền, giáo dục đến những học sinh khác về truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.
Giáo dục về văn hoá truyền thống
Cô Phan Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Kon Tum, Kon Tum) cho biết, năm học 2021-2022 toàn trường có 1065 học sinh. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhà trường tuyên truyền giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K khi đến trường.
Theo cô Đông, những năm học trước bên cạnh việc học trực tiếp nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Các hoạt động ngoại khoá được tổ chức theo chủ đề từng tháng để học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ những ngày lễ quan trọng. Ví dụ vào dịp 20/10, 20/11 nhà trường tổ chức các buổi biểu diễn, đóng tiểu phẩm, vẽ tranh về mẹ, thầy cô giáo…Nhân dịp 22/12, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan Ngục Kon Tum, Nghĩa trang liệt sĩ để các em học sinh ghi nhớ công ơn của những anh hùng đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Cô Đông cho hay, nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về luật An toàn giao thông cho học sinh nắm bắt. Ngoài ra, lồng ghép giới thiệu về nhà rông, văn hoá Tây Nguyên cho học sinh biết. Từ đó, giáo dục các em biết lưu giữ, bảo tồn văn hoá truyền thông dân tộc.
“Năm học này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Do đó, nhà trường lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua các tiết học. Bên cạnh đó, giáo dục cho các em biết đến văn hoá truyền thống văn hoá dân tộc thông qua chương trình Giáo dục địa phương”, cô Đông nói.
Thầy Lê Văn Linh, giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Mường Hoong chia sẻ, thông qua các tiết học thầy hướng dẫn, giáo dục học sinh kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp. Bên cạnh đó, giáo dục các em biết yêu thương, chia sẻ công việc nhà với bố mẹ, anh chị em. Đồng thời, trong hoạt động ngoại khoá thường xuyên tuyên truyền cho học sinh về hệ luỵ của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, an toàn giao thông… Đồng thời giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người.