Tuy nhiên, để giành được suất học này không hề dễ dàng, bởi họ bắt buộc phải trải qua kỳ thi tuyển chọn rất khắc nghiệt.
Bước giậm đà cần thiết
Tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y Hà Nội với tấm bằng khá, Hồ Phi Khánh đang học bác sĩ nội trú tại Trường ĐH Y Hà Nội với chuyên ngành Tâm thần chia sẻ: “Thời gian học lâm sàng sẽ giúp các bạn biết được mình phù hợp hoặc đam mê với chuyên ngành nào hơn cả, từ đó vạch ra hướng đi để có thể trở thành bác sĩ của chuyên ngành đó.
Sau khi học xong 6 năm chương trình bác sĩ đa khoa, ngoài việc lựa chọn thi bác sĩ nội trú, các bạn có thể lựa chọn các hướng đi khác nhau như: Xin vào một bệnh viện làm việc; học định hướng chuyên khoa cơ bản (6 tháng); thực hành 18 tháng tại bệnh viện để có chứng chỉ hành nghề, sau đó có thể đi học chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ…
Tuy nhiên, nếu bạn chọn con đường học bác sĩ nội trú thì cần phải chuẩn bị kiến thức trước đó rất lâu mới có thể vượt qua kỳ thi bác sĩ nội trú với sự canh tranh rất khốc liệt”.
Anh Hồ Phi Khánh đưa ra ra lời khuyên, nếu không học nội trú, bạn nên cân nhắc lựa chọn chuyên ngành phù hợp như năng lực, sở trường của mình.
Ví dụ: Bạn khéo tay có thể học thêm về thẩm mỹ; nếu bạn thích dao kéo mổ có thể chọn ngoại khoa... Tuy nhiên khi theo chuyên ngành nào bạn cũng nên học thêm các chứng chỉ bổ sung, khóa đào ngắn hạn, dài hạn cho chuyên ngành đó. Thậm chí, bạn phải xác định có thời điểm ăn ngủ tại bệnh viện để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.
Kiên trì để thành công
Ngành bác sĩ đa khoa, từ năm nhất đến năm thứ tư sinh viên được đi lâm sàng tất cả các khoa. Đó là cơ hội để sinh viên trải nghiệm thực tế giúp các bạn có cái nhìn đa chiều, tổng quan của mỗi chuyên ngành. Đến năm thứ 5, sinh viên dần định hình được chuyên ngành phù hợp với năng lực của bản thân.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng: “Hầu hết sinh viên học ở các trường y sau khi học xong 6 năm đều đã có những kiến thức nền tảng về y khoa khá tốt. Tuy nhiên, để trở thành một bác sĩ chuyên khoa giỏi, quá trình đi làm các bạn phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Ngoài việc có kiến thức, các bạn phải thực sự yêu chuyên ngành mình chọn, tâm huyết, phải đặt mình vào vị trí bệnh nhân”.
PGS Nguyễn Văn Khải cho biết thêm, sinh viên học đến năm thứ 6 sẽ bắt đầu được định hướng học sâu vào chuyên ngành. Riêng thi nội trú, các bạn phải học chuyên ngành từ năm thứ 5. Theo đó, ngoài việc tự ôn luyện, sinh viên nên nhờ thầy cô cố vấn, hướng dẫn; chủ động xin đi theo để học hỏi các kỹ năng của chuyên ngành mình mong muốn theo đuổi.
Nếu không chọn thi nội trú, các bạn có thể học thêm các kiến thức cơ bản như tâm thần cơ bản, thần kinh cơ bản; nên học thêm khóa rèn luyện 6 tháng hoặc 9 tháng nhằm tiếp nhận thêm kiến thức cơ bản để hành nghề.
PGS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh: “Trước khi lựa chọn chuyên ngành mình muốn gắn bó, sinh viên hãy tìm hiểu thật kỹ về chuyên ngành đó, xác định phải vượt qua được quá trình rèn luyện, học hỏi để hành nghề thật tốt. Chuyên ngành nào cũng rất quan trọng, các em phải cần cù, chịu khó học hỏi, rèn luyện, sau này sẽ thực hiện đam mê, trở thành một người có ích cho xã hội”.
Còn bác sĩ Phạm Quang Khải lưu ý, đối với ngành y, giai đoạn đầu đi xin việc nhiều khi phải chấp nhận làm việc không lương để có môi trường thể hiện đam mê, cống hiến. Quá trình làm việc, bạn cần tận tâm với nghề, ham học hỏi, tinh thần cầu tiến; chủ động trong công việc, năng động sáng tạo và hòa đồng vui vẻ với đồng nghiệp, người bệnh.
“Quá trình học, ngoài chú ý rèn luyện chuyên môn, y đức các bạn sinh viên cần rèn luyện khả năng ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu nước ngoài, các phương pháp chữa bệnh, công nghệ mới của thế giới để áp dụng trong điều trị cũng như cập nhật, bổ sung kiến thức cho bản thân. Nghề y là học tập suốt đời”, bác sĩ Phạm Quang Khải - Khoa Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E chia sẻ.