Hướng đến phát triển năng lực của người học

GD&TĐ - Chất lượng giáo dục, suy cho cùng, không chỉ ở chỗ học sinh học được cái gì, mà quan trọng hơn là học sinh làm được cái gì sau việc học đó. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT công bố ngày 12/4 đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ so với chương trình học hiện hành theo hướng tăng tính tự chọn của học sinh, hướng đến phát triển năng lực của người học nhiều hơn.

Hướng đến phát triển năng lực của người học

Đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc

Thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - cho rằng, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến dạy cho học sinh trở thành người có thể hòa nhập được với sự phát triển của xã hội, học sinh có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp từ sớm. “Sự phân hóa ở lớp 11 - 12 với việc giảm các môn bắt buộc, tăng các môn học tự chọn sẽ là điều kiện để học sinh có điều kiện phát triển được năng lực” - thầy Vinh cho biết.

Thiết kế những môn học đã hướng nhiều đến phát triển năng lực, tư duy độc lập của người học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, có khả năng tự học suốt đời, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội... Đây chính là những tố chất rất cần thiết để học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc, nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ” - thầy Lê Vinh phân tích.

Từ vài năm nay, trong kiểm tra, đánh giá, các trường học không chỉ dừng ở kiến thức và kỹ năng học sinh học được, mà phải kiểm tra được khả năng và mức độ vận dụng, các trường phổ thông đã bắt đầu hướng đến việc thiết kế các câu hỏi theo hướng phát triển năng lực học sinh, chứ không kiểm tra đơn thuần kiến thức trong sách giáo khoa. Thế nhưng, việc đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá HS thành công tới đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của GV.

Theo thầy Lê Vinh: “Chuẩn như thế nào với một bài kiểm tra gọi là chuẩn thì vẫn chưa có. Dù chúng ta yêu cầu GV ra đề phải có tính phân hóa, nhưng mỗi GV lại có quan điểm, mức độ khác nhau trong yêu cầu đối với HS. Có thể GV này cho rằng đạt đến mức A là ở ngưỡng đánh giá nhận biết, nhưng GV khác lại có yêu cầu cao hơn. Chưa kể là chúng ta đang yêu cầu GV phải dạy học phân hóa theo đối tượng, đánh giá HS phải căn cứ vào năng lực của các em, nhưng nếu lấy một mặt bằng chung mà căn ra thì lại rất khó”.

Tuy nhiên, thầy Vinh cũng cho rằng có một môn học rất hay mà Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới không đưa thành một môn học bắt buộc: Môn Giáo dục - kinh tế - phát luật: “Suy cho cùng, khi học sinh ra đời, đều phải làm kinh tế và thực hành pháp luật trong chính đời sống và các mối quan hệ xã hội của mình. Nếu như ở phổ thông, em nào không lựa chọn môn Giáo dục - kinh tế - pháp luật thì coi như sẽ bị “thủng” phần này”.

Điều kiện cần và đủ để thành công

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều có chung mối băn khoăn như thầy Lê Vinh về mức độ triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2018 - 2019. “Nếu bắt đầu áp dụng từ lớp 1 và làm theo kiểu cuốn chiếu thì sẽ có sự xuyên suốt; địa phương và các cơ sở giáo dục sẽ có thời gian để thích nghi, chuẩn bị, chuyển đổi từ cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ.

Thế nhưng, nếu chúng ta áp dụng đồng loạt ở tất cả các cấp học, lớp học theo kiểu phiên ngang qua thì sẽ gặp không ít khó khăn. Ví dụ như với 5 môn học mới ở bậc THPT, để đáp ứng cho tất cả các trường THPT trên toàn quốc ngay trong năm học 2018 - 2019 là cả một vấn đề”.

Mặt khác, nhìn vào Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì dễ dàng thấy thời gian và số môn học không giảm đi nhiều, nhất là ở bậc THPT, như lớp 10, số lượng môn học không những giảm mà còn tăng. Về nhận xét này, thầy Lê Vinh bày tỏ quan điểm: “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới mới chỉ mang tính chất tổng quát với khung chương trình, còn phải được cụ thể hóa bằng các chương trình môn học, rồi mới đến sách giáo khoa.

Cho tới lúc đó, chúng ta mới có thể đánh giá được nó quá tải hay không. Ngay như với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vốn trước đây được xem như là một phương pháp, ở Dự thảo thì trở thành một môn học, chúng ta cũng chỉ có thể đánh giá được các trường sẽ gặp thuận lợi hay khó khăn một khi có chương trình - sách giáo khoa. Chẳng hạn như, nếu yêu cầu các trường tổ chức tất cả các hoạt động cho HS ở bên ngoài nhà trường thì sẽ rất khó. Nhưng nếu như nhà trường xây dựng các mô hình, dụng cụ… để HS có thể thực hành ngay trong khuôn viên nhà trường thì vấn đề lại đơn giản hơn nhiều”.

“Nếu các nhà chiến lược tính toán, phối hợp đồng bộ được cả 3 yếu tố: Bộ phận viết chương trình - sách giáo khoa, bộ phận đào tạo giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó, chương trình - sách giáo khoa phải có sự tích hợp, khuyến khích được sự sáng tạo của cả giáo viên và học sinh; bộ phận đào tạo giáo viên, trong đó có những giáo viên đảm nhận việc dạy học những môn mới và bồi dưỡng đào tạo lại giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay phải thay đổi được phương pháp, cách làm việc cũ; cơ sở vật chất và tài chính đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới thì Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thành công như kỳ vọng” - thầy Lê Vinh khẳng định.

Việc kết hợp giảng dạy kiến thức với mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh là một điểm mới của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành. “Đánh giá năng lực của học sinh thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với đánh giá phẩm chất vì dù sao cũng có sự định lượng. Sẽ phải có những tiêu chí cho việc đánh giá phẩm chất để đỡ “làm khó” cho giáo viên bởi hiện nay, hầu hết các môn thi đều đã áp dụng theo hình thức trắc nghiệm” - thầy Vinh phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ