1: Về nội dung thi
Đề thi chỉ ra theo nội dung chương trình sách giáo khoa cơ bản nhưng không có chương "Vi mô và vĩ mô". Chủ yếu là chương trình sách giáo khoa cơ bản lớp 12. Phần kiến thức lớp 10 và 11 rất ít và chỉ là một số bài toán khó của vật lý lớp 12 có liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11.
2: Về mặt cấu trúc đề thi
Đề thi THPT Quốc gia là gộp của 2 kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh nên như năm 2015, đề thi có sự phân khúc mức độ rất rõ ràng để đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp và tuyển sinh cao đẳng, đại học.
a) Nội dung xét tốt nghiệp chiếm khoảng 50% số câu trong đề thi (khoảng 25 câu đầu).
Đây là những câu hỏi ở mức độ dễ và trung bình, dàn trải toàn bộ chương trình Vật lý cơ bản lớp 12. Nội dung kiến thức chủ yếu là những định nghĩa, khái niệm. Cụ thể như: Các đại lượng dao động điều hòa, vận tốc, gia tốc, chu kì, tần số, sóng cơ, sóng âm, bước sóng, sóng điện từ, ánh sáng đơn sắc, hiện tượng quang điện, độ phóng xạ, năng lượng liên kết...
Phần tính toán chủ yếu là các bài toán áp dụng công thức điển hình: Tính biên độ dao động, chu kì, tần số, năng lượng, bước sóng, các giá trị hiệu dụng của điện xoay chiều, khoảng vân giao thoa, công thoát và giới hạn quang điện, năng lượng liên kết hạt nhân...
Học sinh khối 12 tại TPHCM đang ôn tập (ảnh minh họa) |
b) Nội dung kiến thức để xét tuyển cao đẳng và đại học sẽ chiếm khoảng 50% số câu hỏi. Cụ thể:
* Sẽ có khoảng 30% số lượng câu hỏi ở mức độ học lực khá, đó là những câu tập trung chủ yếu ở bài toán: Tìm thời gian trong biến đổi điều hòa, các công thức độc lập, lực đàn hồi, hợp lực, bài toán năng lượng, bài tập về sóng âm, giao thoa sóng, sóng dừng, công suất điện, biểu thức u, i của điện xoay chiều, bài toán tán sắc ánh sáng, bài toán số vân sáng tối của giao thoa ánh sáng 1 bức xạ, giao thoa ánh sáng trắng, tìm động năng vận tốc electron quang điện, số photon thu phát, năng lượng thu tỏa trong phản ứng hạt nhân, số hạt phóng xạ...
* Có khoảng 20% số câu hỏi trong đề ở trình độ giỏi và xuất sắc. Đó là những bài toán tập trung chủ yếu ở các bài toán: Va chạm cơ học, bài toán vật chịu tác dụng thêm bởi các lực như lực quán tính, lực điện trường...
Các bài toán điện xoay chiều liên quan nhiều dạng toán như công hưởng điện, cực trị, bài toán độ lệch pha và giản đồ. Bài toán tụ xoay phần mạch dao động LC, bài toán giao thoa nhiều bức xạ đơn sắc, bài toán nguyên tử hidro. Bài toán tìm vận tốc, động năng, góc lệch các hạt trong phản ứng hạt nhân. Bài toán tìm tuổi mẫu quặng chứa phóng xạ, khối lượng chất tạo thành trong phóng xạ...
Ngoài ra các bài toán "lạ" như: đọc đồ thị, sử dụng số liệu thống kê để làm các bài tập thực hành, liên hệ thực tế như bài toán cộng hưởng cơ, tần số kế, điện tâm đồ, nhạc lý, đo đạc và đọc thông số thiết bị điện xoay chiều, bài toán xạ trị...
Đề thi tuân theo "khung chuẩn" nhưng một số câu hỏi phân loại cao (câu "lạ") thường phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người ra đề và sự thống nhất của nhóm thầy cô ra đề. Nên nhận định trên chỉ là thống kê và đưa ra mang tính tham khảo.
3: Làm thế nào để học tập hiệu quả
Tự học là hình thức ôn thi hiệu quả nhất. Thầy cô giảng dạy có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ. Chỉ người học mới viết mình yếu và thiếu kiến thức nào. Bởi vậy để đạt kết quả thi tốt nhất thí sinh cần phải chú ý mấy vấn đề sau:
- Biết rõ nội dung cần ôn học như đã phân tích ở trên, nắm chắc lý thuyết sách giáo khoa. Làm chính xác tuyệt đối các bài tập cơ bản rồi hãy tính chuyện học các bài khó và rất khó.
Vì trong đề thi dù bài dễ hay khó thì cũng vẫn là 0,2 điểm, bởi vậy nếu để sai sót chủ quan các câu dễ là cực kì đáng tiếc. Một nguyên tắc vàng mà các em phải nhớ là "luôn làm và làm thật cẩn thận câu dễ trước rồi mới làm câu khó".
- Phần kiến thức nào còn chưa hiểu rõ phải học lại ngay, có thể mua sách viết theo chuyên đề có lời giải để chủ động tự học lại.
- Phải tập luyện giải nhiều dạng đề (có hướng dẫn giải chi tiết). Giải đề là giai đoạn rất quan trọng trong ôn luyện. Giải đề giúp các em tái hiện, củng cố kiến thức đã học, bổ sung dạng toán mới và đặc biệt nó giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng giải đề, phân bố thời gian làm bài, đúc rút ra nhiều kinh nghiệm, tạo sự tự tin khi bước vào kì thi.
Qua đây là những nhận định tóm lược và hướng dẫn ôn tập của thầy về đề thi Quốc gia môn Vật lý 2016. Chúc các em mạnh khỏe, tiến bộ và đạt kết quả cao trong kì thi Quốc gia 2016.