Kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm Vật lý
Để làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý đạt hiệu quả, thí sinh cần cố gắng thực hiện theo 4 bước dưới đây:
Bước 1: Đọc trước toàn bộ đề. Lưu ý, cần đọc thật nhanh qua toàn bộ đề thi để có thể chọn làm những câu dễ trước. Đánh dấu những câu mình cho rằng sẽ chắc chắn làm đúng và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Bước 2: Đọc lại toàn bộ đề lần thứ hai và trả lời những câu hỏi khó hơn (dạng quen thuộc đã giải). Thí sinh có thể thu thập được một số gợi ý từ lần đọc trước, phân tích dữ liệu câu hỏi, gạch dưới các từ quan trọng và các kiến thức (công thức) liên quan để suy luận làm bài thoải mái tránh căng thẳng, nhưng lưu ý không nên dừng lại quá lâu ở một câu sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn, mà điểm số thì được chia đều.
Bước 3: Đọc lại toàn bộ câu hỏi và phương án đã chọn. Trong quá trình đọc lại có thể phát hiện chỗ đã hiểu sai ý của đề bài từ lần đọc trước hoặc đã làm đúng nhưng tô nhầm ở phiếu trả lời trắc nghiệm, thường học sinh mắc phải lỗi này do chủ quan ở các câu dễ.
Bước 4: Cuối cùng, thí sinh lưu ý, không nên bỏ trống câu nào, vì kể cả khi làm theo cảm tính, thí sinh vẫn có xác suất trả lời đúng là 0,25.
Với các câu hỏi làm theo cảm tính, thí sinh nên sử dụng phương pháp loại trừ trên cơ sở suy luận có lí. Phải cân nhắc các con số trong đáp án có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Những phương án bao gồm những từ phủ định hay mang tính tuyệt đối.
Với đáp án “Tất cả những ý trên”: Nếu thí sinh thấy có tới ba phương án có vẻ đúng thì tất cả những ý trên đều có khả năng là đáp án chính xác.
Những phương án ngược nhau: Khi trong 4 phương án trả lời, nếu hai phương án mà hoàn toàn trái ngược nhau, có lẽ một trong hai phương án đó là đáp án chính xác.
Thế đáp án để tìm đáp án đúng: Ta dùng đáp án đó đưa vào công thức mà các em biết, đáp án nào đưa vào công thức có kết quả hợp lý là đáp án đúng...
Lưu ý khi ôn tập Vật lý
Điều đầu tiên khi ôn tập môn Vật lý là thí sinh phải nắm vững kiến thức, nội dung trọng tâm từng chương (lý thuyết và công thức giải nhanh).
Trong quá trình ôn tập, thí sinh phải biết tổng hợp và so sánh, liên hệ kiến thức có liên quan với nhau. Không nên nóng vội giải đề ngay mà phải hệ thống phương pháp giải đối với từng loại bài tập, đồng thời giải trắc nghiệm lý thuyết và bài tập theo từng chuyên đề trước.
Đối với các câu trắc nghiệm lý thuyết, thí sinh phải phân tích từng đáp án (đúng, sai chỗ nào), tránh chỉ cho đáp án mà không phân tích, chỉ nhớ máy móc.
Thí sinh cũng cần thường xuyên kiểm tra các công thức, sự tổng hợp lý thuyết theo nội dung từng chương và theo lộ trình thời gian.
Cuối cùng, giải đề thi thử, lưu ý khi giải đề chọn đề theo 3 cấp độ: Đề khởi động (dễ); đề tăng tốc (khá); đề về đích (khó).
Sau mỗi đề mà thí sinh đã giải theo thời gian 90 phút, nên có chấm điểm, sửa bài và phân tích những nội dung thường gặp.