Hướng dẫn học sinh lớp 7 hình thành kỹ năng viết nghị luận xã hội

GD&TĐ - Chương trình SGK đổi mới kéo theo sự đổi mới về cách dạy - học - kiểm tra đánh giá.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong giảng dạy, SGK mới chú trọng việc hình thành kĩ năng tư duy học 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết cho học sinh chứ không còn kiểu “học tủ”. Bài viết này tập trung hướng dẫn học sinh lớp 7 hình thành kĩ năng viết dạng bài văn cụ thể: nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành) theo như yêu cầu của SGK Ngữ văn mới. Nội dung xoay quanh phương diện: khái niệm, các dạng bài, kiểu bài, hướng dẫn làm từng phần trong bài văn. Qua đó giúp học sinh hình thành được kĩ năng viết bài một cách hiệu quả.
Ngữ văn là một trong những môn học thiết yếu trong chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong chương trình SGK hiện hành chú trọng hình thành tư duy học 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết vì vậy các em học sinh đã được rèn luyện và định hình kỹ năng viết từ dưới cấp 1. Lên cấp 2, yêu cầu viết ngày càng nâng cao hơn, các em bắt đầu làm quen với thể loại văn mới là văn nghị luận gồm có nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, văn nghị luận xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh phát triển kiến thức và kỹ năng sống cũng như khả năng quan sát sắc bén, tư duy lập luận chặt chẽ, sự hiểu biết sâu sắc và cách thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội. Trong chương trình cấp 2, văn nghị luận xã hội xuất hiện ở cả 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và ở cả 4 khối lớp 6,7,8,9, trong đó lại được chia thành các dạng bài nghị luận xã hội với những yêu cầu khác nhau.

Bảng 1.1. Bảng thống kê các bài viết NLXH trong chương trình Ngữ văn 2018 cấp THCS

LỚP 6:

Bộ Kết nối (Tập 1+2)
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm
VD: Em hãy viết bài văn nghị luận về hiện tượng thái độ đối với người khuyết tật.
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc.
VD: Chọn một cuốn sách em yêu thích và suy nghĩ về một hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra.
Bộ Cánh diều (Tập 1+2)
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống
VD: Em hãy viết bài văn nghị luận về việc sử dụng nước ngọt.
Bộ Chân trời (Tập 1+2)
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống
VD: Em hãy viết bài văn nghị luận về hiện tượng sử dụng túi ni – lông hiện nay.

LỚP 7

Bộ Kết nối (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)
VD: Em hãy viết bài văn nêu ý kiến về việc sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da dành cho học sinh.
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)
VD: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về việc các bạn trẻ ngày nay có suy nghĩ “Có thể bỏ qua một số môn phụ, chỉ nên học môn chính.”
Bộ Cánh diều (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (tán thành hay không tán thành)
VD: Em hãy viết bài văn nêu ý kiến về việc ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
Bộ Chân trời (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống
VD: Em hãy viết bài văn trả lời câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”

LỚP 8

Bộ Kết nối (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước)
VD: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ về việc học sinh ngày nay với việc giữ gìn sự trong sách của tiếng Việt.
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại)
VD: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ về thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Bộ Cánh diều (Tập 1+2)
- Nghị luận về một vấn đề đời sống
VD: Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích.
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
VD: Em hãy viết bài văn bàn luận về vấn đề “Học sinh cấp Trung học cơ sở sử dụng xe máy phân phối lớn đến trương.”
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
VD:Suy nghĩ về câu tục ngữ: "Chết trong còn hơn sống đục.".
Bộ Chân trời (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống
VD: Suy nghĩ của em về “Những sắc màu của tình yêu Tổ quốc”

LỚP 9

Bộ Kết nối (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)
VD: Viết bài văn bàn luận về hiện tượng Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của con người.”
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay)
VD: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về vấn đề “Tình bạn khác giới ở tuổi học trò.”
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)
VD: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về việc giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau.
Bộ Cánh diều (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết
VD: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục.
Bộ Chân trời (Tập 1+2)
- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết
VD:Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về hiện tượng xả rác bừa bãi trong trường học.

Ở bài viết này, người viết chỉ tập trung vào một dạng bài cụ thể đó là kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội về vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành) cho học sinh lớp 7. Bởi lẽ, dù ở lớp 6, các em đã được làm quen với dạng bài văn nghị luận rồi nhưng lên lớp 7 đòi hỏi việc học sinh thể hiện quan điểm cá nhân trong bài viết cao, tư duy bắt đầu phát triển theo hướng logic và trừu tượng hơn. Các em vẫn còn lúng túng, vốn từ nghèo nàn, trải nghiệm thực tế ít ỏi lại phải đưa ý kiến cá nhân vào bài viết nên nhiều em vẫn còn tỏ ra khó khăn. Việc hình thành kỹ năng viết các dạng bài luôn luôn là vấn đề cấp thiết đáp ứng sự đổi mới về chương trình, giảng dạy, kiểm tra đánh giá của chương trình sách giáo khoa mới để giúp các em học sinh có kĩ năng khi đi thi bởi khi đi thi không còn những bài văn trong SGK mà sẽ lấy ngữ liệu ngoài sách, các đề bài mới.

Giới thiệu chung về bài văn “nghị luận xã hội” và bài văn “Nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)”

Giới thiệu chung về “văn nghị luận xã hội”

Theo Từ điển từ ngữ Hán - Việt, “nghị luận” được định nghĩa là việc sử dụng lý luận để phân tích và tranh luận về các vấn đề, nhằm làm rõ ý nghĩa phải - trái, đúng - sai. Còn “xã hội” không chỉ đơn thuần là một tập thể người sống chung, mà còn là mối quan hệ phức tạp giữa con người trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, triết học, lịch sử, ngôn ngữ, và giáo dục. Dựa trên những định nghĩa này, nghị luận xã hội có thể được hiểu là một thể loại văn học mà trong đó người viết phân tích và tranh luận về những vấn đề xã hội, những hiện tượng đời sống có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con người với nhau. Ví dụ:Nghị luận về hiện tượng bạo lực học đường; nghị luận về lợi ích của việc bảo vệ môi trường; nghị luận xã hội về tình mẫu tử;…

Bài văn NLXH theo mức độ yêu cầu của từng khối lớp, từng đề thi có dung lượng khác nhau, khoảng 500-700 chữ hoặc có thể ít hơn. Bài văn NLXH gồm những đoạn văn liên kết với nhau và cùng hướng về một chủ đề bàn luận bảo đảm được tính mạch lạc và liên kết. Cấu trúc của bài văn NLXH có 3 phần:

Đặt vấn đề (Mở bài)

Giải quyết vấn đề (Thân bài): được tổ chức bằng một số đoạn văn gồm các luận điểm. luận cứ, bằng chứng, lí lẽ.

Kết thúc vấn đề (Kết bài): Văn nghị luận xã hội được chia thành 2 dạng lớn: nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống và nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý.

Một số dạng văn nghị luận xã hội thường gặp:

Dạng bài
Kiểu bài
Đề minh họa
1. Nghị luận về một vấn đề, hiện tượng trong đời sống
Nghị luận về một hiện tượng vấn đề đời sống
Em hãy viết bài văn nghị luận về hiện tượng sử dụng túi ni – lông hiện nay.
Trình bày ý kiến tán thành
Em hãy viết bài văn nêu ý kiến về việc sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da dành cho học sinh. (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 7)
Trình bày ý kiến không tán thành
Em hãy viết bài văn nêu ý kiến về việc ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? (SGK Cánh diều lớp 7)
2. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
Em hãy viết bài văn nghị luận về tình quân dân của dân tộc Việt Nam ta

Giới thiệu chung về bài văn “Nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành).”

Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống là một kiểu bài lấy một sự việc, hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn luận. Từ hiện tượng này, học sinh phải phân tích để tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng, đạo đức mà bàn luận, đánh giá. Đề tài bàn bạc gần gũi với đời sống Các vấn đề nghị luận xoay quanh con người trong quan hệ với cộng đồng, đất nước; một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại; con người trong mối quan hệ với tự nhiên; trong đời sống học sinh hiện nay; trong đời sống xã hội,…

VD:“Học sinh với vấn đề xây dựng trường học thân thiện

- “Sự tuỳ tiện khi tham gia giao thông của một số người dân

- “Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của con người”

- “Cách giải quyế mâu thuẫn, xung đột giữa thế hệ trong gia đình” …..

Chú ý khi làm bài để có một bài văn nghị luận xã hội trình bày ý kiến tán thành hay:

- Nêu được hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.

- Thể hiện được rõ ràng ý kiến của người viết, đây là ý kiến của em chứ không phải ý kiến của người khác về vấn đề đó.

- Lý lẽ xác đáng, sắc bén; dẫn chứng xác thực thuyết phục.

- Khi viết cần chú ý mạch văn trôi chảy, kết nối các câu trong đoạn và các đoạn trong bài chặt chẽ, hợp lý tránh cách viết rườmg rà; lan man.

- Để cho bài văn tăng sức hấp dẫn, thuyết phục cần đan xen các yếu tố biểu cảm tự sự cho phù hợp.

- Đảm bảo được bố cục 3 phần: mở bài thân bài kết bài.

Các kiểu đề và dàn ý chung trong viết bài văn Nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành).”

Các kiểu đề: Dạng cụ thể và trực tiếp: là dạng đề mà yêu cầu và vấn đề nghị luận trong đời sống được thể hiện trực tiếp trong đề bài. VD:

+ Đề 1: Ngày nay, một bộ phận học sinh thiếu sự đam mê đọc sách. Em hãy bày tỏ quan điểm của mình về vai trò của đọc sách và cách lựa chọn sách cho phù hợp với lứa tuối.

+ Đề 2: Môi trường xung quanh chúng ta đang ngày một ô nhiễm làm ảnh hưởng tới cảnh quan, sức khỏe con người. Em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về tác hại của ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường.

+ Đề 3: Hiện nay, không ít các bạn học sinh nói tục chửi thề, làm ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa học đường. Hãy viết bài văn trình bày quan điểm của em về hiện tượng trên.

Dạng đề mở và gián tiếp: là dạng đề mà đề bài chỉ nêu vấn đề nghị luận, không nêu yêu cầu hoặc vấn đề nghị luận lại phải thông qua một ngữ liệu. Ngữ liệu có thể là: một văn bản trong sách giáo khoa, một bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, một mẩu chuyện, bản tin, ca dao, tục ngữ... VD:

+ Đề 1: Em hãy quan sát các hình ảnh sau về các bạn học sinh:

(Nguồn Internet)

Từ những hình ảnh trên, em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về tác hại mà trò chơi điện tử gây ra, đồng thời đề xuất các giải pháp để hạn chế thực trạng trên.

+ Đề 2: Đọc bản tin sau:

"Trước đây, mỗi khi đến với công viên ai cũng thấy công viên sạch đẹp, cây cối, vườn hoa được chăm sóc cẩn thận và chu đáo. Nhưng ngày nay, đến công viên, mọi người đều thấy cây cối, vườn hoa thiếu sức sống, thiếu bàn tay chăm nom; đặc biệt rác thải đủ loại vứt bừa bãi gây mất vệ sinh..."

Em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nổi bật nhất trong bản tin trên.

+ Đề 3: Ăn quà vặt trước cổng trường.

Dàn ý chung cho các kiểu đề:

Tìm ý: Ở dạng bài nghị luận về vấn đề trong đời sống trình bày ý kiến tán thành này, sau khi các em HS phân tích đề cần tiến hành thao tác tìm ý cho bài bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

- Vấn đề cần bàn luận?

- Ý kiến của em về vấn đề: cần nêu rõ quan điểm: tán thành, đồng tình.

- Giải thích vấn đề

- Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng) là:

- Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng) là:

- Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng) là:

- ….

- Khẳng định lại ý kiến và bức thông điệp em muốn nhắn gửi tới mọi người:

Lập dàn ý: Sau khi trả lời những câu hỏi trên, các em HS cần sắp xếp lại, lập thành dàn ý theo 3 phần lớn của bài văn:

Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề đời sống cần bàn luận trong bài nghị luận.

- Bày tỏ ý kiến tán thành cách nhìn nhận về vấn đề đó.

Thân bài:

- Vấn đề được nêu ra để bàn luận?

- Giải thích vấn đề

- Vì sao lại tán thành? Thể hiện thái độ tán thành bằng các ý:

+ Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng)

+ Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng) là

+ Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, dẫn chứng) là

Kết bài:

- Khẳng định lại quan điểm cá nhân về vấn đề.

- Bức thông điệp muốn gửi tới mọi người.

Hướng dẫn viết các phần trong bài văn NLXH về vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

Phân tích đề

Trước khi bước vào lập dàn ý, viết bài, HS cần rèn luyện kĩ năng phân tích đề bởi đây là việc rất quan trọng trong viết bài văn NLXH. Có xác định đúng vấn đề nghị luận thì các em mới viết đúng, đủ, hay. Nếu xác định sai, các em sẽ rất dễ bị lạc đề.

Ở bước này, trước hết phải hướng dẫn các em nhận diện được từ khoá quan trọng: vấn đề nghị luận là gì? Yêu cầu cụ thể?

VD: “Nghị luận về vai trò của mạng xã hội trong đời sống hiện nay”

- Các em phải gạch chân VĐNL: “mạng xã hội trong đời sống hiện nay.”

- Xác định yêu cầu cụ thể: Nghị luận: “vai trò”

Viết phần mở bài

Mở bài có ý nghĩa vô cùng quan trọng với bài viết. Nó không chỉ mang tính chất dẫn dắt vấn đề, giới thiệu nội dung cần bàn luận mà còn tạo được ấn tượng, khơi gợi hứng thú với người đọc. Mặt khác, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, viết tốt phần mở bài HS cũng dễ dàng triển khai thân bài hơn. Để mở bài đúng, hay HS trước hết phải xác định đúng được vấn đề nghị luận.

Mở bài là một đoạn văn độc lập về hình thức, trọn vẹn về nội dung. Độ dài của mở bài: khoảng 3-4 câu trong đó phải đảm bảo có đầy đủ phần: nêu được vấn đề cần nghị luận và bày tỏ ý kiến tán thành của mình.

Có hai cách để mở bài thường được áp dụng: mở bài theo cách trực tiếp (trực khởi) và mở bài theo cách gián tiếp (lung khởi).

Cách 1: Mở bài trực tiếp: Mở bài trực tiếp là vào thẳng vấn đề nghị luận không cần vòng vo, cầu kì.

Mở thẳng vấn đề: nêu luôn vấn đề nghị luận + bày tỏ ý kiến tán thành.

VD: Nghị luận về thực trạng của hút thuốc lá điện tử ở học sinh ngày nay.

Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh ngày nay là một vấn đề đáng quan tâm.(1a) Tác hại của nó gây nên với sức khoẻ của con người là vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, các cơ quan, ban ngành đều đang chung tay ngăn chặn tình trạng này xảy ra với các em học sinh. Cá nhân em thấy đây là việc làm vô cùng đúng đắn. (1b)

(1a): Nêu vấn đề cần nghị luận

(1b): Trình bày ý kiến của người viết về vấn đề.

Cách 2: Mở bài gián tiếp: Mở bài gián tiếp là cách đi đường vòng để dẫn vào vấn đề nghị luận. Có rất nhiều cách mở bài gián tiếp tuy nhiên đều có 1 công thức chung đó là:

- Câu 1,2: dẫn dắt vấn đề

- Câu 3: Nêu vấn đề cần nghị luận

- Câu 4: Trình bày ý kiến tán thành

VD: Nghị luận xã hội về tính tự mãn

Có một quyển sách đã từng viết rằng: “Sự kêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Và tính tự cao đi trước sự sa ngã.”(1a) Mỗi người chúng ta chắc hẳn chưa ai là chưa một lần tự mãn về bản thân. Nhưng hậu quả của thói tự mãn thật khôn lường.(1b) Em cho rằng điều đáng sợ nhất trên đời chính là tính tự mãn. (1c)

(1a): Dẫn dắt vấn đề nêu vấn đề nghị luận

(1b): Nêu vấn đề nghị luận

(1c): Trình bày ý kiến của người viết về vấn đề.

Có nhiều cách dẫn dắt vấn đề, các em HS có thể tham khảo những cách sau:

- Sử dụng trích dẫn (danh ngôn, câu nói nổi tiếng, câu hát, câu thơ,…)

VD1:Nghị luận về tinh thần đoàn kết

  • Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của dân tộc ta”. Trong lịch sử dân tộc tinh thần đoàn kết luôn là yếu tố quyết định để tiến đến thắng lợi. Chính nhờ đoàn kết mà chúng ta đã vượt qua bao thử thách, khó khăn xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do và ngày càng phát triển.
  • VD2: Dùng cho dạng đề nghị luận về giá trị của hạnh phúc, sức mạnh tình yêu thương và lòng nhân ái

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ là ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.” ẫn dắt một vấn đề trái ngược với vấn đề nghị luận.

- Dẫn dắt một vấn đề trái ngược với vấn đề nghị luận

VD: Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của lời nói dối đẹp đẽ trong cuộc sống

  • “Nhân loại bao đời nay vẫn luôn tôn vinh sự thật. Nói dối là tội lỗi, là xấu xa. Thế nhưng lại có một ngày dành riêng cho những lời nói dối (1/4). Phải chăng bên cạnh những lời nói dối tội lỗi, vẫn có những lời nói dối vô hại, lời nói dối đẹp đẽ.
  • - Mở bài bằng cách đặt câu hỏi
  • VD: Trong cuốn sách Mình phải sống như biển rộng sông dài, tác giả Raxu Nguyễn (tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x) viết: "Điểm khác nhau cơ bản giữa tôi và bạn là: bạn sống để mọi người yêu thích, còn tôi sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới)." Anh/ chị sẽ lựa chọn cách sống nào?

Là một khối đá trơ lì cảm xúc với bộ mặt cứng cáp phô ra cho cả thế giới thấy hay một hòn đá sẵn sàng sống khác đi với chức năng thuần túy được định đoạt? Là an phận nhàn nhã trong chiếc lồng hồng đẹp đẽ hay chú chim sải cánh trên bầu trời cao rộng? Bạn muốn sống với cái tôi thuộc về người khác hay một cái tôi duy chỉ bạn mà thôi? Có lẽ, sau cùng ta vẫn là ta - một cá thể đơn nhất, nên việc sống cũng giống như quan niệm: "Điểm khác nhau cơ bản giữa tôi và bạn là: bạn sống để mọi người yêu thích, còn tôi sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới)" (Raxu Nguyễn)

- Mở bài bằng cách kể lại một câu chuyện liên quan đến vấn đề nghị luận.

VD: Có ý kiến cho rằng: “Từ bỏ trí tuệ. Nó có thể làm bạn nhẹ nhõm, có thể trả lại con người vốn có của bạn, nó làm bạn thực sự cảm nhận được cuộc sống. Từ bỏ cũng là một lựa chọn, không từ bỏ sẽ không có lựa chọn sáng suốt. Từ bỏ không phải là thất bại, mà có thể là sự bắt đầu của thành công.” Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên.

Thời thơ ấu, tôi từng nghe câu chuyện về con khỉ hái trái cây. Chú khỉ tinh nghịch hái bắp ngô, vứt quả đà, rồi vứt bắp ngô, hái quả dưa hấu. Kết quả chẳng được quả nào. Khi còn nhỏ, chúng ta cười vì hành động đáng yêu đó của chú khỉ. Thời gian trôi đi, thấm thoát chúng ta đã trưởng thành, lăn lộn với xã hội, biết bao nhiêu đạo lý nhưng vẫn đang diễn màn kịch của chú khỉ kia từng ngày, từng giờ. Có người bận rộn với công việc theo đuổi lý tưởng, lại thường cho rằng, cái mất đi mới đáng quý. Có người gặt hái nhiều thứ nhưng thân thể và tinh thần quá mệt mỏi vì đã phải trả giá để được những thu hoạch đó, dù mệt nhưng họ không nỡ vứt bỏ… Lặng lòng nghĩ lại, thực ra chúng ta cũng chẳng hạnh phúc gì.

Viết phần thân bài

Thân bài là phần chính của bài văn, nơi học sinh sẽ phát triển các lập luận và ý kiến của mình.

Khi viết thân bài, các em phải đảm bảo triển khai đầy đủ các ý lớn, theo trật tự.

VD: Nghị luận về việc đọc sách

Giải thích vấn đề

- Định nghĩa vấn đề: Cần đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về vấn đề để người đọc hiểu rõ hơn.

VD:

+ Đọc sách là hành động tiếp thu kiến thức, mở rộng tầm hiểu biết của con người.

+ Sách không chỉ cung cấp tri thức mà còn giúp chúng ta phát triển tư duy, hoàn thiện nhân cách.

Phân tích các khía cạnh

Trình bày thái độ tán thành vấn đề nghị luận bằng các lí lẽ, bằng chứng:

VD:

- lẽ 1: Đưa ra lý do chính kèm theo dẫn chứng cụ thể.

+ Sách chứa đựng kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp chúng ta mở mang kiến thức.

+ Dẫn chứng: Ví dụ từ những cuốn sách nổi tiếng, các tấm gương thành công nhờ thói quen đọc sách…

- lẽ 2: Tiếp tục với một lý do bổ sung kèm theo phân tích, dẫn chứng.

+ Đọc sách giúp phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện trí não.

+ Dẫn chứng: Những nhà khoa học, nhà văn lớn đều có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ…

- lẽ 3: Đưa ra thêm một khía cạnh tích cực khác.

+ Sách còn là nguồn cảm hứng, giúp chúng ta sống tích cực và hướng đến những giá trị tốt đẹp.

+ Dẫn chứng: Một số cuốn sách về cuộc sống, tâm lý đã giúp nhiều người vượt qua khó khăn, tìm lại niềm tin vào cuộc sống…

Mở rộng vấn đề

- Phê phán, ngăn chặn (nếu vấn đề gây ra hậu quả xấu).

  • - Tuyên dương, nhân rộng (nếu vấn đề tạo nên kết quả tốt).

- Bài học nhận thức, hành động

VD:

+ Một số người cho rằng đọc sách tốn thời gian, không thực tế.

+ Phản biện: Việc này chỉ đúng nếu chúng ta đọc sách không phù hợp hoặc không biết chọn lọc. Đọc sách đúng cách sẽ giúp tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao.

+ Chúng ta đều phải nhận thức ra đọc sách thực sự là một hành động mang lại nhiều lợi ích cho con người. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy dành thời gian đọc sách mỗi ngày để không ngừng hoàn thiện bản thân và mở rộng tri thức.

Để thân bài vừa đúng vừa đủ nhưng lại vừa hay và cũng là phần để phân loại học sinh, các em cần sử dụng kết hợp các thao tác lập luận; lấy dẫn chứng người thật việc thật, lồng ghép dẫn chứng vào bài khéo léo; bên cạnh đó là việc sử dụng từ ngữ rõ ràng, mạch lạc, sử dụng câu từ đa dạng, sáng tạo.

Các thao tác lập luận:

Thao tác giải thích:

VD: Khi bàn về hiện tượng bạo lực học đường, có thể giải thích "bạo lực học đường" là gì, tại sao nó lại xảy ra và ảnh hưởng của nó đến tâm lý, hành vi của học sinh.

"Bạo lực học đường là hành vi dùng vũ lực, đe dọa hoặc gây tổn thương tinh thần, thể chất cho người khác trong môi trường học đường. Hiện tượng này thường bắt nguồn từ những áp lực xã hội, thiếu sự quan tâm từ gia đình và sự giáo dục chưa toàn diện trong nhà trường."

Thao tác phân tích:

VD: Khi bàn về hiện tượng nghiện mạng xã hội, có thể phân tích nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả của việc nghiện mạng xã hội đối với giới trẻ.

"Nghiện mạng xã hội khiến giới trẻ mất nhiều thời gian cho các hoạt động trực tuyến, thiếu tập trung trong học tập và công việc, đồng thời dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực. Điều này lâu dài có thể dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp thực tế."

Thao tác so sánh:

VD: Khi bàn về ý thức trách nhiệm của giới trẻ trong bảo vệ môi trường, có thể so sánh giữa hai nhóm: một nhóm có ý thức bảo vệ môi trường và một nhóm thờ ơ với vấn đề này.

"So với những bạn trẻ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, những người thiếu ý thức sẽ không quan tâm đến việc phân loại rác hay sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hành động của họ góp phần làm ô nhiễm môi trường và gây hại cho cộng đồng."

Thao tác chứng minh:

VD: Khi bàn về tinh thần vượt khó của con người, có thể đưa ra dẫn chứng về những người thành công nhờ vào sự kiên trì và nỗ lực không ngừng.

"Những tấm gương như Nick Vujicic - người không có tay chân nhưng vượt qua khó khăn để truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới - là minh chứng rõ ràng cho tinh thần vượt khó và ý chí phi thường của con người."

Thao tác bình luận, đánh giá:

VD: Khi bàn về lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ hiện nay, cần đánh giá và nêu quan điểm về xu hướng này.

"Lối sống hưởng thụ của một số bạn trẻ hiện nay không chỉ khiến họ lãng phí thời gian, công sức mà còn làm mất đi giá trị tốt đẹp của lao động. Họ cần hiểu rằng hạnh phúc và thành công không đến từ việc hưởng thụ thụ động mà cần phải được xây dựng bằng sự cố gắng và rèn luyện."

Thao tác bác bỏ:

VD: Khi bàn về ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ, một số người có thể cho rằng hành động của từng cá nhân sẽ không ảnh hưởng đến môi trường chung.

"Một số người cho rằng đóng góp của từng cá nhân nhỏ bé đến mức không thể ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, mỗi hành động nhỏ của từng người như sử dụng ít túi ni lông hơn, giảm tiêu thụ năng lượng hoặc trồng thêm cây xanh đều tạo ra hiệu ứng tích cực cho môi trường. Khi tất cả các cá nhân cùng hành động, những thay đổi lớn sẽ xảy ra và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống."

Viết phần kết bài

Kết bài là một trong ba phần bắt buộc phải có của một bố cục bài làm văn. Phần kết bài có nhiệm vụ tổng hợp, khái quát, đánh giá lại vấn đề đang cần nghị luận hoặc đưa ra những bàn luận mở rộng, những cái nhìn nâng cao vấn đề và có thể cả những biện pháp, bài học cần thiết khi chưa xuất hiện ở thân bài.

Kết bài có dung lượng 3-4 câu trong đó phải đảm bảo đầy đủ khẳng định lại quan điểm cá nhân tán thành vấn đề và đưa ra bức thông điệp về vấn đề.

VD:Có ý kiến cho rằng: "Mỗi người sinh ra đều có giá trị riêng. Bản thân người đỏ phải làm cho giá trị riêng của mình sáng lên và tôn trọng giá trị riêng của người khác". Em có đồng ý với ý kiến này không? Viết bài văn thể hiện ý kiến của em.

Từ những lí do trên, em muốn khẳng định một lần nữa là ý kiến trên là đúng. Vì vậy, em luôn đồng tình với ý kiến trên. Đồng thời, em muốn nhắn nhủ với các bạn một điều: Hãy tự tỏa sáng bản thân mình như con đom đóm trong đêm nhưng không vì thế mà "quên đi" ánh sáng của ngọn đèn dầu hay ngọn đèn đường lặng lẽ... Mọi ánh sáng làm cho thế giới trở nên lung linh, tươi đẹp hơn….

Có nhiều cách và kiểu kết bài khác nhau. Nhưng dù sử dụng cách nào, kết bài đều nhằm mục đích khắc sâu kết luận của người viết, tạo ấn tượng cho người đọc và nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề đã được bàn luận. Một kết bài hay không chỉ đóng lại, chốt lại vấn đề mà còn mở ra, nâng cao ý tưởng, để lại dư âm trong lòng người đọc.

Rèn luyện kĩ năng là quá trình liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ luyện tập chứ không phải là “học vẹt, học tủ” vừa dạy đã yêu cầu học sinh đạt được kết quả như mong muốn Việc hướng dẫn kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội nói chung và văn nghị luận xã hội về một vấn đề đời sống trình bày ý kiến tán thành dành cho lớp 7 nói riêng không phải là việc dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi sự rèn luyện, tích luỹ của nhiều năng lực từ phía học sinh như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ,…

Đối với giáo viên, để hỗ trợ học sinh viết một bài văn nghị luận xã hội với cấu trúc chặt chẽ và lý lẽ sắc bén, vai trò của thầy cô là xây dựng phương pháp, định hướng kỹ năng và hướng dẫn tổ chức cho học sinh học tập và thực hành một cách tích cực, sáng tạo và hiệu quả. Việc hình thành kỹ năng viết là yếu tố quan trọng giúp học sinh thích ứng với yêu cầu đổi mới dạy học hiện nay. Điều này không chỉ đơn thuần là chỉ ra cho học sinh một phương pháp viết cụ thể mà còn góp phần phát triển tư duy khoa học, logic, khả năng giáo tiếp, trình ý bày ý kiến một cách thuyết phục giúp học sinh chủ động tiếp cận mọi nhiệm vụ học tập. Hãy cùng nhau nỗ lực để phát triển kỹ năng này, góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ