Chiều 22/8, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố về hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động, nhằm tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh yêu cầu không được sử dụng giấy đi đường vào mục đích cá nhân. Số lượng xin cấp giấy đi đường không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có (các trường hợp không đảm bảo 10%, đơn vị phải có phương án làm việc cụ thể để Sở Giao thông vận tải xem xét).
Các cơ quan, đơn vị có công văn, kèm danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần lưu thông để phục vụ nhiệm vụ cấp thiết, để cấp giấy đi đường gửi về Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh qua hộp thư điện tử (sgtvt@tphcm.gov.vn) để được cấp giấy đi đường.
Thời gian cấp giấy đi đường không quá 24 giờ kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Giấy đi đường được gửi trả cho các đơn vị qua hộp thư điện tử (gồm danh sách người được cấp và giấy đi đường có mã QR), các đơn vị tự in giấy đi đường và mang theo khi đi đường.
Mỗi giấy đi đường khi tra cứu mã QR sẽ thể hiện các thông tin như: cơ quan làm việc, họ tên người được cấp, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mục đích và thời gian tham gia giao thông.
Trong khi đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam cấp giấy đi đường cho đối tượng hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cấp giấy đi đường cho đối tượng hoạt động tại cảng Tân cảng Cát Lái.
Cơ quan cấp giấy đi đường phải kiểm soát số lượng giấy đi đường, đảm bảo siết chặt hạn chế việc đi lại; báo cáo số lượng, việc áp dụng mẫu giấy đi đường; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.
Nhân viên lái xe trên phương tiện vận tải đã được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR, không thuộc trường hợp phải cấp giấy đi đường. Ngoài ra, các cá nhân khi tham gia giao thông trên đường, ngoài giấy đi đường, phải có thêm nhận diện: đồng phục ngành; đồng phục công nhân thực hiện các dịch vụ công ích; áo khoác nhận diện dành cho lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc ngành tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện phương án “ba tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Chỉ đi lại khi thực sự cần thiết để làm nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, trực cơ quan, xử lý sự cố hạ tầng kỹ thuật.