Hướng con về nguồn cội

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thời nay chỉ biết hướng ngoại cho con qua việc đi du lịch nước ngoài, mua sắm hàng ngoại, vứt bỏ các câu chuyện về ông bà tổ tiên, kể cả những hình ảnh quen thuộc như cây đa, gốc lúa, bờ tre... 

Hướng con về nguồn cội

Chính vì lẽ đó mà trẻ con dần quên mất nguồn gốc quê hương của mình, dẫn đến sự hạn hẹp kiến thức về bản sắc văn hóa, chạy theo trào lưu hướng “ngoại” đến mức xô bồ mà quên mất mình cũng đang có một nguồn cội để thương để nhớ.

Dạy con qua những câu chuyện kể

Bé Lan cầm đề tập làm văn ở trường đưa cho cha mẹ xem mà rơm rớm nước mắt: “Em hãy tường thuật lại một chuyến đi về quê thăm ông bà nội/ngoại trong lần gần đây nhất”. Chị Hồng, mẹ của bé đọc lướt qua rồi chưng hửng nói với chồng: “Chết rồi anh ơi, lâu nay mình quên kể cho con nghe về quê ngoại của nó, cũng không dẫn nó về thăm lần nào, nên bây giờ con mình chẳng biết làm bài tập làm văn này”.

Chuyện tưởng thế lại thành mâu thuẫn. Trong khi đó anh Hùng lại trách chị là thường xuyên gần gũi con, nhưng không bao giờ kể chuyện về quê ngoại cho con nghe, cũng không cho con xem các chương trình về văn hóa mà cứ sa đà vào những bộ phim kiếm hiệp bạo lực, những chương trình ca nhạc không hợp với lứa tuổi nhi đồng. Cuối cùng hai vợ chồng cũng đi đến thống nhất với nhau là từ nay phải dành chút ít thời gian để kể con nghe về nguồn gốc ông bà, tổ tiên bên nội và bên ngoại nhằm giúp cho bé Lan biết quê hương, nguồn cội.

Dạy con từ chuyến đi thực tế

Vợ chồng anh Đoàn (huyện Bình Chánh, TPHCM) tuy là dân kinh doanh, suốt ngày bận bịu với vô vàn công việc nhưng anh không quên dành chút ít thời giờ hiếm hoi trong ngày để cùng chơi với con, dẫn con đi đâu đó. Con anh Đoàn, bé Bo năm nay lên 8 tuổi, rất thích khám phá nên cuối tuần là anh hoặc vợ anh (đôi khi cả hai) dẫn con đi du lịch sinh thái ở các khu ngoại ô để cho bé Bo tìm hiểu và khám phá. Bởi nơi đây mang vẻ yên bình, mộc mạc như ở làng quê.

Là công dân có hộ khẩu ở thành thị hẳn hoi nhưng ít người biết rằng trước đây vợ chồng anh Đoàn là dân nhà quê chính gốc. Tuy định cư ở một vùng đất mới, làm ăn phát đạt, nhưng vợ chồng anh không bao giờ quên được quê hương đã sinh ra mình. Chính vì vậy, cứ hễ nghĩ hè hay lễ tết là anh đưa vợ con về thăm quê ngoại, quê nội để bé Bo không quên nguồn cội. Bé Bo vốn ngoan ngoãn, thích học hỏi, lại yêu khung cảnh làng quê nên được ông bà và mọi người thương yêu hết mực.

Thường những chuyến về quê như thế, anh Đoàn luôn dẫn con đi đến các nhà bà con, hàng xóm để Bo nhớ mặt người thân, sau này khỏi ngỡ ngàng. Anh Đoàn còn quay lại nhiều clip, chụp nhiều bức ảnh gia đình để cho con lưu giữ những khoảnh khắc thân thương ấy. Điều đó làm cho con trai anh luôn yêu thích làng quê hơn. Bé Bo được các cậu dạy bắt cá, bơi lội, chèo thuyền… nên khoái chí lắm. Ngoài ra, Bo còn có thể kể rành rọt tên, tuổi của ông bà nội, ông bà ngoại, cậu, chú, cô, dì… Những điều thú vị ấy, trẻ con thành thị hiếm khi được thực hành. Sau mỗi chuyến đi thú vị, Bo hay kể cho các bạn hàng xóm nghe về quê nội, quê ngoại mình một cách tự hào và thần tượng. Thậm chí Bo còn mang cả hình ảnh làng quê vào trong những bài tập làm văn của mình.

Hướng con về nguồn cội

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nhấn mạnh hai câu thơ cuối trong bài Quê hương, rằng: “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người”, quả thật không sai. Ai trong chúng ta cũng có quê hương, cũng có nguồn cội. Dù chúng ta có thành công trong hiện tại nhưng nếu chúng ta vứt bỏ quá khứ, hời hợt với những bản sắc, phong tục, xa rời nguồn cội thì không thể nào là một người hoàn thiện được.

Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần lưu tâm vấn đề này ngay từ khi con mình còn bé dại. Cần dạy cho con biết nguồn gốc của chúng qua các các câu chuyện kể thường nhật, bằng nhiều dẫn chứng minh họa sôi động như: “Chiếc vòng cẩm thạch này hồi xưa bà ngoại tặng cho mẹ”, “Ông nội con đã tặng cho ba quyển sách này từ khi ba học lớp 5”, “Quyển album này tuy cũ kỹ nhưng lưu trữ nhiều ảnh của gia tộc nhà mình”… Cha mẹ hãy cho con xem các kênh có liên quan đến quê hương, đất nước, hoặc những bộ phim mang tích chất giáo dục giới trẻ nhớ về nguồn cội, tổ tiên. Ngoài ra, dù bận việc cách mấy, cha mẹ cũng nên dành ít thời gian đưa con về quê ngoại, quê nội để chúng có dịp “ôn cố tri tân”, đặc biệt là những dịp lễ tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.