Hưng Yên: Lan tỏa phong trào đổi mới dạy học

GD&TĐ - Với sự quan tâm đầu tư của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của đội ngũ giáo viên, việc đổi mới hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá được lan tỏa rộng rãi trong toàn ngành GD-ĐT tỉnh Hưng Yên.

Thầy trò trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thi đua dạy tốt học tốt
Thầy trò trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thi đua dạy tốt học tốt

Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa hiện đại hóa

Ông Nguyễn Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm đến Giáo dục. Ngân sách chi cho GD-ĐT tăng hàng năm, công tác XHH giáo dục với sự tham gia đóng góp của toàn xã hội.

Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học ở các nhà trường được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa hiện đại hóa. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh xây mới được hơn 3600 phòng học với tổng kinh phí đầu tư trên 1200 tỉ đồng. 100% các trường THCS THPT được trang bị máy chiếu màn chiếu đa năng phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.

Dù số lượng trường học ở các cấp học bậc học giảm do thực hiện chủ trương sáp nhập hợp nhất cơ sở GD nhưng mạng lưới GD Hưng Yên vẫn phát triển về quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến trường đạt trên 41,5%, trẻ mẫu giáo 99,2%, 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp một, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.

Hưng Yên đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục cả về tư tưởng, đạo đức cùng năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD. Đến nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn là 100%, trên chuẩn bậc mầm non đạt 74%, tiểu học trên 96%, THCS 75%, THPT 23,5%.

Với sự quan tâm đầu tư của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, ngành GD ĐT Hưng Yên đã đạt được những kết quả tự hào. Hưng Yên là tỉnh thứ 8 của cả nước đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Việc đổi mới hình thức dạy học cũng như kiểm tra đánh giá được lan tỏa rộng rãi trong toàn ngành.

Trong đó bậc mầm non dạy học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ khám phá trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm học bằng chơi, chơi mà học. Các cơ sở GDPT thực hiện đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học, giúp học sinh phát triển tư duy, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế.

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh đẩy mạnh hình thức giáo dục STEM, phát động phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Nhiều học sinh Hưng Yên đạt giải cao trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia, nhiều GV HS đã có những sáng tạo tích cực, có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Công tác kiểm tra đánh giá học sinh cũng được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, chú trọng vào khả năng sáng tạo, chuyển từ đánh giá kết quả học tập cuối kì sang đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức. Học sinh có thể tham gia vào quá trình đánh giá.

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước cải thiện, giáo dục mũi nhọn khởi sắc. Hàng năm tỉ lệ học sinh Hưng Yên tốt nghiệp THPT luôn cao hơn tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Hàng năm có 54,22% thí sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại học, trong đó có nhiều em đỗ thủ khoa. Tỉ lệ HSG quốc gia luôn vượt chỉ tiêu đề ra, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi cấp quốc gia và quốc tế.

Cô Trần Thị Thúy - giáo viên bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, lọt top 50 giáo viên toàn cầu
Cô Trần Thị Thúy - giáo viên bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, lọt top 50 giáo viên toàn cầu

Phát triển giáo dục toàn diện, tăng cường hội nhập quốc tế

Cùng với truyền tải kiến thức, các nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức lối sống  cho HS thông qua việc đổi mới các môn GD thể chất, GD quốc phòng an ninh, các hoạt động tri ân tưởng nhớ các bậc tiền bối cách mạng, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các bạn khó khăn. Bên cạnh đó sự ra đời của các CLB văn hóa thể thao trong các nhà trường cũng giúp cho học sinh phát huy năng khiếu, tạo sân chơi lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội.

Sở GD&ĐT Hưng Yên cũng khuyến khích các nhà trường liên kết với nhau hoặc hợp tác với các trường ĐH, CĐ, các đối tác nước ngoài trong đào tạo nghiên cứu khoa học. Điển hình là chương trình hợp tác với Sở GD&ĐT Incheon của Hàn Quốc bồi dưỡng cho hơn 200 GV theo mô hình giáo dục thông minh đã thực hiện thành công ở nước bạn.

Thời gian qua, ngành GD-ĐT Hưng Yên chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lí và giảng dạy. Tất cả các đơn vị đều sử dụng phần mềm quản lí nhân sự, hệ thống sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, hệ thống ngân hàng câu hỏi, phần mềm soạn bài giảng e-learning, sản xuất chương trình dạy học trên truyền hình.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành GD-ĐT Hưng Yên còn gặp một số khó khăn như thiếu giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non, tiểu học; cơ sở vật chất ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu và chưa đồng bộ; một số địa phương như Văn Lâm, Yên Mỹ, Văn Giang, Mỹ Hào có tỉ lệ dân số cơ học tăng nhanh nên xảy ra tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng tại một số nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Phê- Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, ngành GD Hưng Yên tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi với căn bản GD-ĐT, thực hiện tốt chỉ thị 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2021-2025.

Để làm tốt việc đó, ngành tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong đó tiếp tục nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở giáo dục, quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, làm tốt công tác hợp tác quốc tế, vận dụng các mô hình giáo dục tiên tiến của các nước vào các cơ sở giáo dục trong tỉnh; làm tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong đổi mới giảng dạy và quản lí của các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ