Hùm xám ở các vùng biển

GD&TĐ - Tương tự trên cạn có hổ báo là chúa tể rừng xanh, ở dưới biển cũng có một loài cá từ cách đây hàng trăm triệu năm đã hùng bá đại dương, đó là cá mập.

Hùm xám ở các vùng biển

Cá mập có hàm răng chắc khỏe, sắc bén, ngoạm một cái con mồi đứt đoạn. Chúng luôn sục sạo khắp nơi, từ dưới vực sâu lên cả mặt nước và có thể đánh hơi từ xa vài km, rồi âm thầm như hổ rình mồi đến tấn công bất chợt. Vì thế, dân gian gọi chúng là “hùm” ở biển.

Trên thế giới có hơn 500 loài cá mập, chúng sống ở nhiều độ sâu khác nhau. Cá mập có thể sống ở độ sâu hơn 2 km và một số còn xuất hiện ở cửa sông nước lợ. Chúng đã vẫy vùng ở các đại dương từ hơn 420 triệu năm trước, cùng thời với loài khủng long.

Cá mập có rất nhiều răng, lớp trong, lớp ngoài lởm chởm với từ 300 – 3.000 cái. Mỗi cái răng cá mập đều có hình mác sắc bén. 15 hàng răng là 15 lũy chông. Sức kéo và cắn đứt của quai hàm cá mập trung bình bằng ba lần cú ngoạm của sư tử và ngang bằng một cú ngoạm của khủng long bạo chúa.

Hùm xám ở các vùng biển ảnh 1

Đặc biệt, một cú ngoạm của cá mập trắng có sức nặng bằng 1,8 tấn. Do đó, trước thế kỷ 16, khi chưa đặt tên cá mập, ai nấy đều gọi chúng là chó biển do sợ sự cắn xé man dại.

Mọc răng nhiều, cá mập cũng rụng răng nhiều và đều được ngư dân nhặt về, xâu làm trang sức biểu thị cho sức mạnh vô biên của biển - một sức mạnh mà đến vua Thủy Tề trong bộ phim Nàng tiên cá Ariel cũng phải tránh đụng.

Ngoài răng sắc, cá mập còn rất thính mũi, chúng có thể tầm soát được những trường điện từ cực nhỏ, chỉ bằng 1/1 tỷ vol. Qua đó, chúng có thể đi săn nhờ biết được những con mồi đều có điện từ. Cá mập cũng đánh hơi cực giỏi, chỉ cần có 1/1 triệu giọt máu rơi xuống biển, dù ở xa chúng vẫn ngửi thấy (với cá mập trắng là hơn 5 km).

Hùm xám ở các vùng biển ảnh 2

Riêng với cá mập đầu búa, thiên phú cho chúng nhìn được 360 độ quanh mình. Tức là mắt chúng có thể đảo xuôi, đảo ngược và còn nằm ở cách xa nhau tại hai đầu của cái gọi là “búa” ấy.

Trong các loài cá mập, mập hổ như danh tính là tinh anh nhất trong việc lùng sục bắt mồi. Chúng nhai được tất thảy mọi thứ như gỗ ở đáy thuyền lẫn sắt thép… Nên ngư dân đi biển mà gặp cá mập hổ là nguy to.

Tuy nhiên, có tới hai loại mập hổ, gồm: “Hổ” thật và “hổ” giấy (cá mập voi). Trong những chú “hổ” thật, có mập trắng là một sinh vật có thể nặng tới 2,5 tấn, bơi 56 km/h và sống lâu đến 70 năm.

Những địa điểm chúng hay lui tới là Đông Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Australia, New Zealand và Nam Phi… Còn “hổ” giấy tiêu biểu là cá mập voi, trung bình dài 18m, nặng 30 tấn, song chỉ ăn giáp xác, phù du bị hút và trôi dạt vào miệng.

Cá mập voi thường hiện hữu tại vùng nhiệt đới, ngày nào cũng di chuyển nhưng rất chậm, khoảng 5 km/h với cái miệng mở to như cái giếng không đáy. Tương tự cá mập voi là cá mập sưởi nắng thường bơi gần mặt nước.

Chúng há hốc miệng để cho phù du lọt vào. Cá mập sưởi nắng cũng dài tới 12m và sống khá thọ. Một con vật ăn phù du nữa là cá mập miệng rộng, thường dài 5 - 6m bằng một chú cá  mập trắng, song miệng cực to, dài bằng 1/4 cơ thể và trông như miệng con rùa.

Hùm xám ở các vùng biển ảnh 3

Cũng có một số cá mập rất hiếm gặp, mà gặp rồi rất thích vì chúng đẹp kỳ quặc. Đơn cử là cá mập báo, thường gọi cá mập thảm đốm Indonesia. Chúng mang trên mình loang lổ những cái đốm nâu sẫm như một chú báo leopard dễ thương. Tuy nhỏ nhắn, chỉ dài 0,5m, song chúng rất nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện giữa các rạn san hô.

Cá mập áo Pyjamas ở Capes - Nam Phi lại có những sọc dài dọc thân, gợi nhớ tới chiếc xà rông và loài cá ngựa thủy cảnh, lúc nào cũng phi như điên. Cá mập lươn, cũng của châu Phi lại giống một chú lươn xù xì, nhăn nheo màu nâu đỏ và là động vật có xương sống mang thai lâu nhất, tới 3,5 năm mới đẻ.

Cá mập tam giác, phân bố từ Na Uy tới Nam Phi, cũng là một loài cá độc đáo vì vừa có dạng tam giác vừa có khuôn mặt ngộ nghĩnh của lợn. Chúng chỉ ăn giun, trai ốc dưới vực và dùng cái mũi như mũi heo để sục kiếm thức ăn.

Cá mập bóng tại Đông Thái Bình Dương thì có thể sưng phồng như quả bóng tròn giúp chống bị nuốt và nhờ thân thể mềm dẻo dễ dàng luồn lách vào trong các hang hốc kiếm cua tôm. Đặc biệt, chúng cũng biết phát quang, tỏa ra ánh sáng xanh để dụ mồi.

Cá mập Goblin là tên gọi của một loài cá có mõm như cái mũi yêu tinh dài và nhọn hoắt tại vùng biển Nhật Bản. Khi đi săn, chúng luôn dùng nó như một thanh kiếm nhằm đâm kẻ địch.

Cá mập ma cũng là một loài cá đáy sâu, đẹp dị thường và thoạt nhìn cứ ngỡ như một chú cá dọn bể. Chúng là một phép lai giữa cá mập với cá đuối, khi di chuyển do dài tới 2m rất uyển chuyển, tha thướt. Với thân thể trắng muốt, đôi mắt xanh lét khiến cho mập ma rất nổi bật dưới đáy Đại Tây Dương.

Bé bỏng nhất trong các loài hổ biển là cá mập lồng đèn lùn, dài 20cm và biết tỏa sáng lóng lánh. Chúng sống ở độ sâu 300 - 500m của biển Colombia và Venezuela.

Theo Blue Planet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ