Huấn luyện viên Thomas Tuchel: Thuốc 'chữa lành' cho Tam sư?

GD&TĐ - Với tài năng đã được khẳng định, người Anh hy vọng Thomas Tuchel sẽ trở thành liều thuốc 'chữa lành' cho đội tuyển quốc gia.

Thomas Tuchel trong ngày ra mắt đội tuyển Anh. Ảnh: INT.
Thomas Tuchel trong ngày ra mắt đội tuyển Anh. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nguy cơ có thể khiến chiến lược gia người Đức này nếm mùi thất bại ở xứ sở sương mù.

Nước Anh chia rẽ

Việc Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Thomas Tuchel là một quyết định khá bất ngờ với phần đông người hâm mộ Tam sư. Chọn chiến lược gia người Đức – nền bóng đá kình địch của nước Anh đã tạo nên sự chia rẽ sâu sắc từ nhiều cựu danh thủ, chuyên gia lẫn truyền thông.

Bên cạnh những người ủng hộ quyết định chọn cựu huấn luyện viên Chelsea ngồi vào ghế nóng như đội trưởng Hary Kane hay cựu danh thủ Gary Neville, cái tên Tuchel đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Nổi bật trong số đó là 2 huyền thoại Gary Lineker và Alan Shearer. Trong khi Shearer muốn có Eddie Howe của Newcastle thì Gary Lineker lại cho rằng: “Tôi muốn Lee Carsley tiếp tục công việc”.

Đồng quan điểm với bộ đôi trên, chia sẻ với Sky Sports, huấn luyện viên kỳ cựu Harry Redknapp đưa ra nhận định: “Tuchel đã mất việc nhanh chóng ở một vài câu lạc bộ trước đây. Điều đó không giống với một mẫu huấn luyện viên thành công”. Theo quan điểm của ông Redknapp “đội tuyển Anh nên được dẫn dắt bởi một người Anh”, nhưng thực tế ông thừa nhận, có rất ít lựa chọn theo phương án này.

Tờ Daily Mail bình luận việc Thomas Tuchel dẫn dắt tuyển Anh chẳng khác nào là “một ngày đen tối khi đội tuyển quốc gia Anh lại được dẫn dắt bởi một người Đức”. Giống như quan điểm của Daily Mail, nhiều cổ động viên cho rằng họ cảm thấy “nhục nhã” khi đội bóng quê hương lại được dẫn dắt bởi một chiến lược gia nước ngoài. Nhất là khi đó lại là một người Đức.

Hơn ai hết, người Anh hiểu rằng, đội tuyển Đức trong quá khứ đã gieo cho họ quá nhiều đau khổ. Ngoại trừ chiến thắng tranh cãi tại chung kết World Cup 1966, Die Mannschaft là nỗi ám ảnh với Tam sư khi họ lần lượt loại đội tuyển Anh khỏi nhiều giải đấu lớn như World Cup 1990, EURO 1996 hay World Cup 2010.

Với bản tính bảo thủ đã ăn sâu vào tiềm thức cùng “niềm tự hào” là quê hương của bóng đá, dễ hiểu vì sao một bộ phận đông đảo cổ động viên, thậm chí là nhiều chuyên gia không muốn một người Đức dẫn dắt đội bóng của họ.

huan-luyen-vien-thomas-tuchel-thuoc-chua-lanh-cho-tam-su1-7055-6672.jpg
Nỗi thất vọng của ngôi sao Bellingham khi các cầu thủ Tây Ban Nha ăn mừng chức vô địch EURO 2024. Ảnh: INT.

Thách thức cho Tuchel

Hiểu rõ cảm giác của một bộ phận cổ động viên Anh nên dễ hiểu vì sao trong ngày nhậm chức, một huấn luyện viên đầy cá tính như Thomas Tuchel đã phải xuống giọng: “Tôi lấy làm tiếc bởi mang quốc tịch Đức”, đồng thời chiến lược gia 51 tuổi không quên trấn an người hâm mộ bằng lời hứa sẽ “cố gắng mang về một ngôi sao nữa trên ngực áo đội tuyển” - vô địch World Cup 2026. Rõ ràng, Tuchel nắm rất rõ khao khát của người hâm mộ Anh lẫn lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Anh. Tam sư rất cần danh hiệu ở một giải đấu lớn.

Lựa chọn Tuchel, FA đã tìm được một huấn luyện viên giỏi cho đội tuyển quốc gia. Bởi, ở nền bóng đá mang tính chất “công nghiệp” như ở châu Âu, các thầy giỏi, nhiều danh tiếng thường ưu tiên dẫn dắt các câu lạc bộ lớn hơn chọn đội tuyển quốc gia.

Điều này có thể được kiểm chứng qua các trường hợp của các huấn luyện viên hàng đầu hiện nay như Pep Guardiola (Man City), Carlo Ancelotti (Real Madrid)… Do đó, việc thuyết phục được Thomas Tuchel ngồi ghế nóng là một thành công của FA.

Còn với Thomas Tuchel, sau thất bại cùng Bayern Munich mùa giải vừa qua, bản hợp đồng 18 tháng với Tam sư không chỉ mang về cho ông 5 triệu bảng tiền lương, quan trọng hơn, đây sẽ là cơ hội để chiến lược gia này có thể được hít thở bầu không khí World Cup năm 2026. Dẫn dắt đội tuyển Anh, Tuchel quay lại với nơi làm việc ưa thích là xứ sở sương mù, được dẫn dắt dàn hảo thủ đang bước vào độ chín của sự nghiệp như Bukayo Saka, Jude Bellingham, Phil Foden…

Tất nhiên, đi cùng với thuận lợi sẽ là những áp lực lớn đang chờ đón chiến lược gia người Đức. Đội tuyển Anh sau thành tích vào chung kết 2 kỳ EURO liên tiếp gần đây cùng bán kết World Cup 2018 đang khao khát danh hiệu hơn bao giờ hết.

Chiến lược gia người Đức chỉ có thể thuyết phục người hâm mộ Tam sư nếu ông giúp họ giải được cơn khát tại World Cup 2026. Nhưng đây chắc chắn là mục tiêu không dễ gì thực hiện.

Đội tuyển Anh không chỉ đã 58 năm chưa thể vô địch một giải đấu lớn mà còn nhiều vấn đề khác, trong đó có tâm lý cầu thủ. Việc thất bại quá nhiều đã trở thành nỗi ám ảnh với các cầu thủ Anh, khiến họ trở nên rụt rè, yếm thế trước những thời khắc quyết định hay mỗi khi gặp các đối thủ lớn.

Tiêu biểu như cả 2 trận chung kết EURO 2020 và 2024. Tam sư dù sở hữu đội hình với rất nhiều siêu sao nhưng họ thi đấu khá bạc nhược, bế tắc, không dám đôi công, chỉ chăm chút phòng ngự để rồi nhận lấy thất bại đáng tiếc.

Đó chắc chắn là bài toán khó đang chờ ông Tuchel đưa ra những lời giải. Nếu không giải quyết được dứt điểm vấn đề tâm lý, hay những lùm xùm nội bộ sẽ rất khó để chiến lược gia người Đức thành công cùng tuyển Anh.

Bên cạnh đó, chiến lược gia người Đức với cá tính mạnh và thẳng thắn thường rất dễ gây xung đột với cầu thủ và quan chức đội bóng. Khi còn dẫn dắt PSG, Tuchel mâu thuẫn không thể hàn gắn với Leonardo và Todd Boehly (Chelsea), hay giai đoạn ở Bayern Munich, ông không được lòng các sếp sân Allianz Arena, đồng thời tạo nên sự bất hòa với nhiều cầu thủ. Và nhìn lại hạn chế trong xử lý khủng hoảng, liệu Tuchel sẽ ứng phó thế nào với truyền thông, người hâm mộ, chuyên gia người Anh vốn hay soi mói, bảo thủ?

Do đó, lựa chọn Thomas Tuchel vẫn là một “canh bạc” với FA.

Trước Tuchel, mới chỉ có 2 huấn luyện viên nước ngoài được chọn dẫn dắt đội tuyển Anh là Sven-Goran Eriksson (Thụy Điển) và Fabio Capello (Italy) nhưng thành tích tốt nhất của 2 chiến lược gia này chỉ là giúp Tam sư đi đến vòng tứ kết của EURO và World Cup.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ