HS miền biển vượt núi đi học

HS miền biển vượt núi đi học

(GD&TĐ) - Từ bao đời nay, hình ảnh các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở Hải Giang ( xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định ) hằng ngày phải trèo đèo, lội suối đi bộ hơn 5 Km vượt qua các dãy núi rất vất vả, gian nan để đến trường đã không còn là chuyện lạ ở xã Nhơn Hải.

Đầm nước này hằng ngày các học sinh ở Hải Giang phải lội qua, rồi vượt núi để đi học
Đầm nước này hằng ngày các học sinh ở Hải Giang phải lội qua, rồi vượt núi để đi học

Thôn Hải Giang thuộc xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 656,25 ha. Toàn thôn có 135 hộ dân, với 540 nhân khẩu. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bàng nghề làm biển và nghề nông. Hải Giang được ví như một ốc đảo nằm trên bán đảo Phương Mai cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 2 hải lý theo đường biển, còn đường bộ cách khoảng 10 km, cách xã Nhơn Hải trên 1 hải lý theo đường biển và trên 5 km theo đường bộ.

Muốn đi từ Hải Giang qua xã Nhơn Hải có 2 con đường chính. Một là đi thuyền theo đường biển mất tầm 30 phút, hai là trèo đèo, vượt suối theo đường bộ qua 2 dãy núi với nhiều đoạn quanh co, ghồ ghề;  hiện tại có thêm một cách đi nữa là đi xe theo đường tạm mới mở dẫn vào khu du lịch Hải Giang, đi đường xe này cũng rất vì dốc đất sét, đá sỏi dựng thẳng đứng, nhiều đoạn có mương sâu rất dễ bị “ trượt bánh” khi đi xe, đi đường xe này cũng mất gần cả tiếng đồng hồ mới đi từ Nhơn Hải qua tới Hải Giang.

Những người làm công tác truyền thanh như chúng tôi đã nhiều lần trèo đèo, vượt suối để sang thôn Hải Giang sửa chữa hệ thống dây loa truyền thanh, nhiều lần trên đường cùng đi với các em học sinh đi học về, chỉ mới vượt qua dãy núi thứ nhất mà ai nấy trong chúng tôi cũng thấm mệt, mồ hôi nhễ nhãi. Nhưng nhìn các em bước đi với những đôi bàn chân thoăn thoắt cắp sách đi học, mới biết được nổi khổ cực và thầm khâm phục những học sinh nơi đây trong hành trình vượt núi đến trường.

Chúng tôi có dịp ngồi nghỉ cùng các em, mời các em uống nước lấy sức, cùng trò chuyện với các em mới thấu hiểu nỗi khó khăn trong việc qua lại đi học. Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi đọng trên trán, nhấp ngụm nước uống để qua cơn khát, em Trần Thị Hải Nghi – Học sinh lớp 9A3 trường THCS Nhơn Hải, vừa cười vừa kể cho chúng tôi nghe : “ Ngày nào chúng em cũng “nhảy núi” để đi học nên đi quen chân rồi. Những học sinh học lớp buổi sáng 5 giờ 30 phút phải bắt đầu di, tới trường cũng đã gần 7 giờ sáng. Học sinh học buổi chiều thì 10 giờ 30 phút bắt đầu đi, tới trường cũng đã gần 12 giờ trưa.”

Dừng chân trên ngọn núi giữa đỉnh đèo để nghỉ mệt, đưa mắt nhìn xung quanh, Hải Giang tuyệt đẹp có núi biển liền kề, những cánh đồng lúa xanh man mác, những ngôi nhà trước biển nấp dưới rặng dương liễu xanh um, với những đầm, hồ nước rộng mênh mông, thấp thoáng những cánh cò  chao nghiêng bay trên đồng lúa, tiếng chim hót líu lo rộn vang một góc trời, xa xa dọc bãi biển dáng những ngư dân tay kéo lưới bắt cá… phong cảnh thật hữu tình hiện ra trước mắt như một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, sống động.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những học sinh học tiểu học ở Hải Giang thì học tại địa điểm trường Tiểu học Nhơn Hải cơ sở đặt tại thôn Hải Giang thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, những em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở Hải Giang thì hằng ngày các em phải vượt quãng đường đèo gần 5 Km để đến trường THCS Nhơn Hải tại xã để học.

Mùa nắng nóng, muốn đi học thì các em phải đi đường biển bằng thuyền mất chừng 30 phút, còn leo núi cũng gần 2 tiếng. Nhưng mùa gió bão, biển to sóng lớn đi học bằng đường biển không được, còn mùa nắng thì thuyền chở các em đi học, lúc có lúc không vì ngư dân bận đánh bắt, còn đi theo đường xe thì rất xa, dốc cao nguy hiểm, với lại không có xe chở các em đi. Vì vậy, việc trèo đèo, vượt suối bằng đường bộ vẫn là giải pháp chính của các em học sinh Hải Giang hằng ngày đến trường.

Em Huỳnh Ngọc Thanh Thủy – Học sinh lớp 9A3, tâm sự : “ Hằng ngày chúng em phải đi bộ vượt trên 10 cây số để đi từ nhà đến trường, việc đi học rất vất vả. Tụi em cũng phải kiếm cái chữ, phải cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô. Trước tình hình khó khăn, chúng em mong các cấp tạo điều kiện để chúng em đi học được thuận lợi hơn. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội”

Đa số các học sinh ở đây đi học về trong ngày nên việc đến trường cũng lắm gian nan. Các em đi học buổi sáng, khi đi học về thì thuận lợi hơn nhưng trời lại nắng, phải leo núi giữa trưa nắng gay gắt, có khi bị say nắng. Còn buổi chiều đi học thì đi giữa trưa nắng nhưng khi về thì trời lại tối; gặp lúc trời mưa, các em phải mang theo đèn pin mới thấy đường để trèo đèo về nhà. Có khi trên đường đi, lúc trời mưa, đường ghồ ghề, trơn trợt việc các em bị té trầy xước tay chân là chuyện thường gặp, có khi lại gặp rắn bò ngang trên đường rất dễ bị rắn cắn, đường đèo đi ban đêm luôn ẩn dật những tai họa gây nguy hiểm cho các em.

Thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng trường THCS Nhơn Hải, chia sẻ : “ Năm học 2011 – 2012, Trường THCS Nhơn Hải có 40 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở thôn Hải Giang. Nhà trường đã phối hợp phụ huynh học sinh bàn giải pháp về việc đi lại của các em học sinh ở Hải Giang. Mùa nắng các em đi đò, nhà trường phối hợp cùng chính quyền địa phương và Trạm KSBP cùng phụ huynh nhắc nhở các em mặc áo phao đảm bảo an toàn cho các em khi qua đò. Mùa mưa, nhà trường luôn nhắc nhở các em không được vượt suối khi có mưa lớn, buổi chiều nếu có mưa lớn nhà trường tạo điều kiện cho các em về sớm hơn do trời mau tối. Đồng thời nhắc nhở các em nên đi thành từng đoàn, khi đi học và đi về để có thể giúp đỡ nhau khi qua đèo, qua suối”.

Đề cập về những khó khăn khi đi học của học sinh ở Hải Giang, ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết : “ Thấy các em học sinh Hải Giang đi học rất khó khăn, UBND xã cũng đã hỗ trợ áo phao cho các em, đồng thời làm việc với các chủ phương tiện đảm bảo an toàn khi đưa các em đi học bằng đường biển trong mùa nắng. Mùa mưa thì các cháu đi đường bộ phải lội suối, leo núi thì hằng năm UBND xã đều hỗ trợ kinh phí làm cầu tạm cho các em đi học khi qua suối. Việc xây cầu bê tông xi măng kiên cố cho các em học sinh đi học và người dân trong thôn qua lại thì không thực hiện được vì thôn Hải Giang nằm trong vùng quy hoạch di dời, giải tỏa trắng.  ”

 Ngọc Nhuận

                                              ( Đài truyền thanh xã Nhơn Hải, Tp. Quy Nhơn, Bình Định )

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ