Tuy nhiên, một số phụ huynh có con học lớp 1, lo lắng trẻ chưa thành thạo với hình thức này.
Lo lắng của phụ huynh và nhà trường
Có con học lớp 1, anh Nguyễn Trung Khánh (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm vẫn hỗ trợ, giúp con ôn luyện. Tuy nhiên, tôi khá lo lắng nếu con gái phải kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến.
“Tôi mới mua máy tính cho con học online, con chưa sử dụng thành thạo. Nếu phải kiểm tra trực tuyến sẽ rất khó khăn” - anh Khanh nói.
Chị Nguyễn Thị Hường (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: Hai vợ chồng đi làm cả ngày, trường hợp con phải làm bài kiểm tra trực tuyến, gia đình không biết phải sắp xếp thế nào cho hợp lý.
Theo thầy Phạm Ngọc Tứ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Sơn C (Sóc Sơn – Hà Nội), với HS lớp 1, chưa được học môn Tin học, vấn đề kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Trong trường hợp bắt buộc phải kiểm tra qua mạng, nhà trường sẽ lên phương án để hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ cho HS lớp 1 có thể sử dụng phần mềm làm bài. Hy vọng, HS sẽ được quay trở lại trường để kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tiếp là tốt nhất” - thầy Tứ cho hay.
Cô Nguyễn Thị Đào – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Phúc B (Thạch Thất – Hà Nội) thông tin: Mặc dù HS đã có thời gian làm quen với việc học online, nhưng việc làm bài kiểm tra qua mạng sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Vì vậy, nhà trường sẽ lên phương án kỹ lưỡng nếu kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến.
“Điều kiện cơ sở vật chất của trường đáp ứng cho kiểm tra trực tuyến, nhưng sẽ vất vả cho HS lớp 1, lớp 2. Bởi, các em chưa sử dụng máy tính thành thạo, và không phải gia đình nào cũng có máy tính. Hơn nữa, làm bài ở nhà cũng không khách quan do có sự hỗ trợ của phụ huynh. Vì thế, có thể nhà trường sẽ cho HS lớp 1, lớp 2 làm bài kiểm tra trực tiếp mà vẫn bảo đảm phòng tránh dịch” - cô Đào chia sẻ.
Trường Tiểu học Ứng Hòa (Hà Nội) đã nhận được công văn từ phòng GD&ĐT về việc cho HS kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020 – 2021. Theo cô Nguyễn Thi Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi đang tìm phương án tối ưu để tổ chức kiểm tra cuối kỳ cho HS lớp 1 trong trường hợp phải làm bài kiểm tra trực tuyến, để bảo đảm khách quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em.
“Nếu kiểm tra trực tuyến, phụ huynh chỉ được hỗ trợ cho các con những thao tác như: Mở máy tính, truy cập vào phần mềm, kiểm tra kết nối mạng… Còn lại, các con phải tự làm bài” - cô Hương nói.
Trong thời gian nghỉ hè, cô Đỗ Thị Mai – GV Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy – Hà Nội) vẫn thường xuyên tương tác, nhắc nhở HS học tập, ôn luyện theo đề cương, tránh “rơi” kiến thức. Tuy nhiên, cô Mai cho rằng: Dù đã thích nghi với việc học online, nhưng HS lớp 1, lớp 2 chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu phải làm bài kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến. Vì vậy, sẽ phải tính đến phương án cho phụ huynh ngồi cạnh để hỗ trợ và khắc phục sự cố đáng tiếc. Tất nhiên, trong quá trình HS làm bài kiểm tra, phụ huynh không được can thiệp để bài kiểm tra có tính trung thực khách quan.
Dựa vào đặc thù học sinh
Ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thông tin: Phòng đã xây dựng phương án cho HS kiểm tra cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.
“Làm bài kiểm tra cuối kỳ qua mạng là giải pháp tình thế nếu như không có lựa chọn khác. Những HS học tốt sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến được và ngược lại. Ở đây, điều kiện thiết bị là một phần, còn lại vẫn phải dựa vào nhận thức của HS” - ông Cường nói.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin: Phòng GD&ĐT đang chạy thử nghiệm phần mềm thi. Nếu thành công, sẽ triển khai kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến đối với bậc THCS trước. Bởi, HS có mã đề kiểm tra riêng, bảo đảm công bằng. Nhưng với HS lớp 1, lớp 2 ở bậc tiểu học sẽ không khả quan.
“Không nên cho HS ở các khối học này làm bài kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến, vì có nhiều môn học khá đặc thù. Như môn tập viết, chính tả, tập đọc… trên lớp HS sẽ thời gian cố định để hoàn thành, hoặc dễ dàng làm bài kiểm tra. Nhưng làm kiểm tra trực tuyến, các em sẽ khó khăn, chưa kể máy tính, đường truyền có vấn đề mà phụ huynh không có bên cạnh, sẽ thiệt thòi cho các em”, bà Phạm Thị Lệ Hằng nêu quan điểm.